Dịch sởi có thể bùng phát khi trẻ em trở lại trường học

Học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

 Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại hội nghị hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024" với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh" và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sởi do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 22/8.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với 1.134.200 liều vaccine. Số vaccine này do Chính phủ Australia tài trợ thông qua WHO. Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi.

Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

 Số lượng trẻ đến tiêm phòng tại Viện Pasteur TP.HCM tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Linh Thùy.

Số lượng trẻ đến tiêm phòng tại Viện Pasteur TP.HCM tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Linh Thùy.

Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công chiến dịch này, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vacine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Các địa phương cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm vaccine Sởi - Rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Tại hội nghị, bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF, cho hay dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9. Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng chống dịch sởi. Tuy nhiên, việc đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam.

Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cũng cho rằng tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất nhanh chóng.

'Với các tỉnh thành có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời", bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dich-soi-co-the-bung-phat-khi-tre-em-tro-lai-truong-hoc-post1493468.html