Dịch sốt xuất huyết đã có nhiều thay đổi

Những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết đã rút ngắn về chu kỳ, nhiều năm có số ca mắc cao.

Phun thuốc diệt muỗi trưởng thành, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết. Ảnh: PV

Phun thuốc diệt muỗi trưởng thành, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết. Ảnh: PV

Chu kỳ dịch có sự thay đổi

Hiện miền Bắc đã vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều, là thời điểm bắt đầu của dịch sốt xuất huyết lan rộng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận gần 23.000 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và đã có 5 ca tử vong tại các tỉnh, thành phố.

Nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2025 đến nay, Thành phố đã ghi nhận 310 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hiện có 2 ổ dịch đang hoạt động. Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng những tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên.

Dự báo, trong thời gian tới, số mắc có thể tiếp tục tăng do đã bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của bệnh hàng năm. Tại Thanh Hóa, cũng đã ghi nhận hàng chục ca mắc sốt xuất huyết, các hoạt động phòng dịch đang được triển khai mạnh mẽ.

Còn tại khu vực phía Nam hiện đang là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết tăng lên... TP Hồ Chí Minh ghi nhận hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần; từ đầu năm 2025 đến nay đã có hơn 8.500 ca mắc.

Tại Long An, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2024; số ca mắc tập trung cao tại các huyện tập trung nhiều khu công nghiệp như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Tân An…

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay, Ths.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp so với trước đây. Nếu trước đây chu kỳ dịch bùng phát với số ca mắc cao thường cách nhau khoảng 5 năm, thì hiện chu kỳ này chỉ khoảng 2 năm. Nguyên nhân do kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa, di cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền diễn ra mạnh mẽ, là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết gia tăng. Đặc biệt, những khu vực có công trình đang xây dựng dễ phát sinh muỗi, những nơi nắng nóng, mưa nhiều làm muỗi sinh sôi nhanh có nguy cơ bùng phát dịch rất cao”.

PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định: “Trước đây, miền Bắc thường có “khoảng lặng” sốt xuất huyết Dengue vào mùa đông, không có ca bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, gần như không có thời điểm nào dịch sốt xuất huyết ngừng lại. Không chỉ khu vực miền Nam khí hậu nhiệt đới, mà miền Bắc có mùa lạnh nhưng số ca bệnh vẫn ghi nhận rải rác quanh năm”.

Theo đó, trước đây cao điểm của dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc thường từ khoảng tháng 9 hàng năm, là thời điểm sinh viên bắt đầu quay trở lại thành phố, học sinh nhập học dễ xảy ra dịch. Tuy nhiên, hiện dịch đã gia tăng từ tháng 5, tháng 6. Trước đây có một số tỉnh miền núi gần như không có ca bệnh hoặc rất ít ca mắc sốt xuất huyết, nhưng hiện nay, không có tỉnh nào là không có dịch. Tất cả các tỉnh đều nguy cơ, và ca mắc chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Ngăn chặn từ vec tơ truyền bệnh

Trước khi bắt đầu vào giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có dự báo và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng chống, tránh lây lan; các địa phương tăng cường các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy phun muỗi… tại các hộ gia đình.

Đặc biệt, ngành y tế và các tỉnh cũng ra quân đồng loạt chiến dịch ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết; các tổ dân phố, các thôn bản tích cực tiêu diệt loăng quăng, làm sạch môi trường ngăn ngừa nguy cơ muỗi truyền bệnh. Ngành y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến việc phát hiện sớm các ca mắc, truy vết các khu vực, xác định các điểm nóng về sốt xuất huyết để tìm các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Theo Ths.BS Võ Hải Sơn, dựa vào đặc thù dịch tễ học, số ca mắc ở các khu vực, các địa phương sẽ kiểm soát, đánh giá véc tơ truyền bệnh. Việc chủ động kiểm soát giúp phát hiện được các vùng có nguy cơ cao, ngăn dịch lây lan rộng.

Kiểm soát véc tơ truyền bệnh là một trong những giải pháp rất quan trọng ngăn chặn dịch sốt xuất huyết thời gian qua. Mỗi địa phương, tổ dân phố, mỗi gia đình cần chủ động trong nhận thức nguy cơ của sốt xuất huyết, nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ tử vong, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan y tế để tiêu diệt, bọ gậy lăng quăng, muỗi; ngủ màn, sử dụng các thiết bị bắt muỗi… sẽ giúp kiểm soát được véc tơ truyền bệnh.

Bên cạnh đó, việc truyền tải thông tin để người dân chủ động, tích cực trong việc phòng sốt xuất huyết cũng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, có nhiều khu xây dựng, nhiều công trình lớn, sau mỗi đợt mưa sẽ có rất nhiều nước đọng, là nơi mà muỗi sinh sôi, nảy nở sẽ làm gia tăng vec tơ truyền bệnh ra cả các khu vực xung quanh nếu có mầm bệnh. Vì vậy, việc xử lý môi trường, phòng bệnh không chỉ tập ở khu vực đó mà cần mở rộng ra các khu vực xung quanh. Chỉ có vệ sinh môi trường, loại bỏ vec tơ truyền bệnh là muỗi là cách phòng sốt xuất huyết hiệu quả nhất.

Theo các chuyên gia, hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn chủ yếu dựa vào kiểm soát muỗi truyền bệnh và thay đổi hành vi sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để giảm thiểu ca nặng và ngăn dịch lan rộng, cần có giải pháp tích hợp và sự phối hợp từ nhiều phía, từ cá nhân đến hệ thống y tế và chính quyền địa phương. Nhận biết sớm triệu chứng và điều trị kịp thời cũng là một yếu tố then chốt giúp giảm ca nặng, giảm tử vong.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/dich-sot-xuat-huyet-da-co-nhieu-thay-doi-20250701163658113.htm