Điểm báo: Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa xâm hại - Cần nhiều biện pháp đồng bộ
Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa xâm hại: Cần nhiều biện pháp đồng bộ; Bảo vệ người tham gia bảo hiểm; Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở: Thiếu 'cánh tay nối dài' kiểm soát giết mổ; Xây mới chung cư cũ: TPHCM đề xuất thu tiền thuê căn hộ phục vụ tạm cư ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 8/6/2023.
BẢO VỆ TRẺ EM TRƯỚC HIỂM HỌA XÂM HẠI: CẦN NHIỀU BIỆN PHÁP ĐỒNG BỘ
Chỉ tính riêng trong năm 2022, trên cả nước xảy ra 1.600 vụ bạo lực học đường, nghĩa là mỗi ngày có 4 -5 vụ. Và đến nay vấn nạn học đường vẫn đang tiếp tục diễn ra đòi hỏi cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình... cần phải có những giải pháp mạnh để bảo vệ con em mình.
Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, ngoài các biện pháp như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh thực hiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng cụm dân cư, có sự kết nối giữa gia đình và khu dân cư để bảo vệ trẻ em. Việc phòng ngừa phải xuất phát từ nhiều phía. Đối với các trẻ em phòng ngừa bằng cách trang bị kỹ năng, trong đó mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo. Khi nghi ngờ bạn bè bị xâm hại tình dục, bị bạo lực thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của các em là bảo vệ bạn đó bằng cách không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư; chia sẻ với người tin cậy nhất như cô giáo chủ nhiệm, tổng phụ trách, ban tư vấn nhà trường.
BẢO VỆ NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM
Sau nhiều vụ việc gây bức xúc trên thị trường bảo hiểm, các chuyên gia đã kiến nghị tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, tăng chất lượng và số lượng chế tài để tạo hàng rào bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết nên áp dụng nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, hoặc theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng- điều kiện không thể thiếu để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và bảo vệ được người tham gia mua bảo hiểm. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định về chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm, kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Đối với người tham gia bảo hiểm, cần tận dụng tốt thời gian 21 ngày để tìm hiểu, tham khảo thật kỹ trước khi ký vào hợp đồng bảo hiểm.
ĐỨT GÃY HỆ THỐNG THÚ Y CƠ SỞ: THIẾU “CÁNH TAY NỐI DÀI” KIỂM SOÁT GIẾT MỔ
Thiếu trầm trọng lực lượng thú y cơ sở. Thông tin đáng chú ý trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay.
Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung; trên 24.000 cơ sở nhỏ lẻ giết mổ động vật có cơ sở vật chất chưa bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và huyện tại một số địa phương mặc dù sớm được củng cố nhưng đến thời điểm hiện tại số người làm việc vẫn còn thiếu so với đề án vị trí việc được phê duyệt. Đồng thời, với đặc thù công tác kiểm soát giết mổ gắn liền với cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh; số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sau giết mổ khoảng 400-450 giấy/ngày, do đó ở một số cơ sở giết mổ, cán bộ thú y đã thiếu về số lượng lại phải dành phần lớn thời gian để viết giấy kiểm dịch, ít thời gian cho công tác nghiệp vụ chuyên môn.
XÂY MỚI CHUNG CƯ CŨ: TP.HCM ĐỀ XUẤT THU TIỀN THUÊ CĂN HỘ PHỤC VỤ TẠM CƯ
Các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ sẽ được tạm cư và trả tiền thuê tạm thời… Theo đó, chi phí thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước được tính theo 02 giai đoạn. Giai đoạn chưa lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện dự án, người sử dụng nhà có trách nhiệm chi trả tiền thuê nhà ở tạm cư theo đơn giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Ở giai đoạn lựa chọn được chủ đầu tư, chủ đầu tư sẽ chi trả chi phí thuê nhà ở, bao gồm các hộ có nhà ở thuộc sở hữu tư nhân hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trên thực tế, thời gian qua, việc tính tiền thuê nhà tạm cư đối với những hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ gặp rất nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến quy định pháp luật hiện hành. Nguyên nhân là do pháp luật chưa có quy định về những trường hợp này.