Điểm báo: Làm gì để bảo hộ thương hiệu nông sản Việt?

Làm gì để bảo hộ thương hiệu nông sản Việt?; Xuất khẩu 'cất cánh', tăng trưởng hơn 19%; Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn; Khổ như nông dân bị cò 'ép giá' lúa … là những tin có trong điểm báo sáng 9/3.

LÀM GÌ ĐỂ BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN VIỆT?

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày một lớn, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu được xem là giải pháp đặc biệt quan trọng để nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của HTX còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều DN, HTX chưa quan tâm tới logo, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, nên dễ bị thương lái giả mạo thương hiệu... Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng, để không xảy ra tình trạng tương tự, các DN, người sản xuất phải bảo vệ thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể, “trong thời đại cạnh tranh về thương hiệu, chỉ những hàng hóa có thương hiệu mới có giá trị cao”.

XUẤT KHẨU "CẤT CÁNH", TĂNG TRƯỞNG HƠN 19%

Bộ Công thương vừa có đánh giá về bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 với những gam màu sáng, đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu khởi sắc, cán cân thương mại tăng trưởng tích cực. Theo Thời báo Tài chính Việt Nam.

Trong hai tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. Như vậy, sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm 2024 với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.

NGÂN HÀNG THỪA TIỀN, DOANH NGHIỆP THIẾU VỐN

Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện chỉ còn 6%-6,5%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền có nhiều rào cản khi tiếp cận tín dụng, trong khi ngân hàng cho rằng rất khó tìm khách hàng vay vốn.

Chia sẻ trên báo Đại đoàn kết, một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả của dự án kinh doanh. Điều này làm cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Một số DN chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay.

KHỔ NHƯ NÔNG DÂN BỊ CÒ “ÉP GIÁ” LÚA

Lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thu hoạch rộ, giá lúa giảm mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân bị thương lái "ép giá". Trên báo Tiền phong có bài viết phản ánh về vấn đề này

Nhiều cánh đồng lúa tại Hậu Giang đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Năng suất tốt, lúa được mùa. Tuy nhiên, trái kỳ vọng trước đó, bà con nông dân xót xa khi thương lái đồng loạt giảm giá thu mua so với thỏa thuận đặt cọc trước đó, nếu nông dân không giảm giá thương lái sẽ dừng thua mua. Theo tính toán của bà con, với mỗi công đạt 1 tấn lúa, nếu giá bán giảm 1.500 đồng/kg so với đặt cọc, nông dân tuột khỏi tay 1,5 triệu đồng; tương ứng 1 ha mất 15 triệu đồng lợi nhuận. Ngoài ra, kể cả khi đồng ý giảm giá, việc thu mua lúa của công ty cũng chậm trễ. Việc bị “neo” trên đồng quá ngày thu hoạch khiến lúa khô bông, hao hụt khá nhiều, sau khi thu hoạch cân trễ cũng khiến nông dân thua thiệt…

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-lam-gi-de-bao-ho-thuong-hieu-nong-san-viet-213478.htm