Điểm chuẩn đại học khối C00 gần 'chạm' mức tuyệt đối, mừng hay lo?
Một số quan điểm cho rằng, khi mức điểm thi và điểm chuẩn quá cao sẽ dễ gây ra lầm tưởng về năng lực và chất lượng giáo dục. Mức điểm chuẩn cao gần như tuyệt đối cũng phản ánh những bất cập trong khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT.
Từ chiều 15/9, hàng trăm trường đại học trên cả nước đã đồng loạt công bố điểm trúng tuyển năm 2022. Đáng chú ý, điểm chuẩn khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) tại một số trường đại học ở ngưỡng rất cao, thậm chí gần tiệm cận mức điểm tuyệt đối 30/30.
Cụ thể, tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, với khối C00, ngành Báo chí lấy 29,9 điểm, các ngành Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng đều lấy đến 29,95, gần bằng mức điểm tuyệt đối 30/30.
Tương tự, tại Học viện Ngoại giao, ngành Hàn Quốc học cũng có mức điểm chuẩn là 29,0, ngành Trung Quốc học là 29,25 điểm.
Tại ĐH Văn hóa Hà Nội, điểm chuẩn các ngành xét tuyển theo khối C00 cũng từ 22,75- 27,5 điểm.
Một số ngành có cùng mức điểm chuẩn cao nhất 27,5 như Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tiếp đến là ngành Văn hóa truyền thông (Khoa Văn hóa học) có điểm chuẩn là 27,0.
Bên cạnh đó, hàng loạt các ngành khác như Văn hóa đối ngoại, Quản lý văn hóa – Tổ chức sự kiện, Quản lý thông tin, Văn hóa du lịch đều có điểm chuẩn trên 26,0.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, nhìn chung điểm chuẩn các ngành tại trường năm nay đều có sự tăng nhẹ so với năm trước. Với một số ngành có mức điểm trên 27 thì thực tế nhiều năm gần đây vẫn luôn nằm trong nhóm điểm cao nhất trường, trên dưới 27 điểm. Bên cạnh đó cũng có một số ngành năm nay có mức điểm tăng cao “bất ngờ” như Bảo tàng học, Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, năm nay cả nước có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, giảm mạnh so với những năm trước, song số lượng nguyện vọng đăng ký vào ĐH Văn hóa Hà Nội lại tăng cao hơn. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh có mức điểm cao đăng ký vào trường cũng đông hơn so với năm trước, điều này tác động trực tiếp, khiến điểm chuẩn có xu hướng tăng cao.
“Một số ngành vốn kén thí sinh đăng ký thì năm nay số lượng hồ sơ cũng rất đông, điều này thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về các ngành nghề của thí sinh và xã hội đã có nhiều thay đổi”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho biết.
Còn tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng, điểm chuẩn các ngành xét tuyển theo khối C00 năm nay tăng cao hơn năm trước do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ở khối thi này cao hơn, đặc biệt là môn Lịch sử, số lượng thí sinh từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021.
Bên cạnh đó, số lượng chỉ tiêu dành cho các ngành ít trong khi số lượng hồ sơ xét tuyển quá nhiều cũng khiến tỷ lệ "chọi” vào một số ngành “hot” càng cao.
Đơn cử như ngành Báo chí, năm 2022, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó có 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Như vậy, trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Trong khi đó, chỉ tính riêng khối C00, đã có 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Ở các tổ hợp xét tuyển khác, số lượng nguyện vọng khoảng vài chục đến vài trăm. Như vậy, tỷ lệ chọi của khối C00 ngành Báo chí là khoảng 500 em chọn 1 em.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, với số lượng chỉ tiêu và hồ sơ đăng ký như trên, nhà trường không bất ngờ khi mức điểm chuẩn của ngành này tăng cao hơn so với năm trước và gần tiệm cận với mức điểm tuyệt đối.
Ngoài ra, Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho biết, các ngành như Quan hệ công chúng, Đông Phương học, Hàn Quốc học; Khoa học quản lý cũng có trên dưới 2.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đẩy tỷ lệ “chọi” lên rất cao.
Với các ngành khối D, điểm chuẩn phổ biến từ 24 - 27,5. Một số ngành có sức hút nhưng chỉ tuyển khối D nên mức điểm chuẩn vừa phải, từ 25 - 27,25 điểm.
Từ góc độ giáo viên phổ thông, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên môn Lịch sử trường THCS-THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, một số ngành có mức điểm chuẩn rất cao ở tất cả các khối xét tuyển như Đông phương học, Hàn Quốc học, Báo chí… xuất phát từ chính nhu cầu xã hội, khi cơ hội việc làm sau khi ra trường lớn, mức học phí lại phù hợp với khả năng của nhiều thí sinh, dẫn đến số lượng thí sinh đăng ký tăng vượt trội so với những ngành khác. Tuy nhiên, thầy Lê Đình Hiển cho rằng, nhu cầu thị trường lao động luôn thay đổi, do đó thí sinh khi lựa chọn ngành học nên đăng ký những ngành phù hợp với năng lực bản thân và thực sự yêu thích.
Nói về việc điểm chuẩn khối C00 tăng cao hơn năm trước, theo thầy Lê Đình Hiển, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, đề thi tốt nghiệp THPT 2022 ở các môn thi khối C00 “có sự nhượng bộ” hơn những năm trước. Hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử, Địa lý những năm gần đây cũng giúp thí sinh dễ lấy điểm cao hơn.
“Vài năm trở lại đây phổ điểm thi khối C00 luôn cao, kể cả môn Lịch sử được đánh giá là khó đạt điểm cao nhất thì năm nay cũng lạm phát điểm. Điểm trung bình môn Sử lên đến 7 điểm. Phải ghi nhận rằng hiện nay giáo viên đã quen dần với hình thức thi mới, thầy cô nỗ lực và cố gắng nhiều hơn, nên chất lượng giảng dạy được nâng lên. Song mức điểm thi và điểm chuẩn quá cao, gần như tuyệt đối cũng cho thấy sự yếu kém trong khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi chưa có độ phân hóa cao”, thầy Lê Đình Hiển nêu quan điểm.
Trước câu hỏi mức điểm chuẩn cao tiệm cận mức tuyệt đối liệu có phản ánh chất lượng giáo dục đang được nâng lên hay không, thầy Lê Đình Hiển băn khoăn rằng “điểm cao chưa chắc đã là thành công, thậm chí còn là bước thụt lùi của giáo dục. Vì một kỳ thi học sinh đạt đến mức điểm gần tuyệt đối nhưng vẫn chưa thể trúng tuyển thì chính là thất bại, thí sinh còn động lực nào để phấn đấu?”.
Từ thực tế giảng dạy, giáo viên này cũng cho rằng, khi mức điểm thi và điểm chuẩn quá cao, rất dễ gây ra tình trạng “ảo tưởng” về năng lực ở không ít thí sinh và cả phụ huynh. Trong khi đó, nhiều trường học cũng chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá chất lượng giáo dục, giáo viên nào có nhiều học sinh thi đạt điểm cao là giáo viên giỏi. Địa phương có nhiều thí sinh đạt điểm cao cũng được coi là có giáo dục phát triển.
“Trong khi đó, giáo dục là bức tranh nhiều màu sắc đan xen, không chỉ có mỗi điểm số. Những điểm số rất cao này cũng sẽ tạo không ít áp lực cho giáo viên các trường khi quan niệm rằng năm sau phải hơn năm trước. Năm nay, học sinh thi đạt điểm tuyệt đối thì năm sau vẫn phải duy trì hoặc hơn. Nếu vì sự thay đổi nào đó khiến điểm số không đạt thì giáo viên lại bị đánh giá là kém cỏi", thầy Lê Đình Hiển nói./.