Điểm chuẩn nhiều ngành Sư phạm cao: Kịch bản được dự báo

Điểm chuẩn nhiều ngành Sư phạm cao; trong đó có ngành Sư phạm Lịch sử và Ngữ văn đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thí sinh dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG

Thí sinh dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG

Các chuyên gia cho rằng, kịch bản trên đã được dự báo từ trước.

Quy tắc sàng lọc

Theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) dao động từ 21,59 đến 28,25; trong đó ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất là 28,25. Tiếp đến là ngành Sư phạm Ngữ văn 28,11; ngành Sư phạm Toán học 27,75. Với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - cùng 28,6 điểm. Đây cũng là 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (28,83 điểm).

Đáng chú ý, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn là 29,3 - cao nhất trong số các trường đã công bố, hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (năm 2023, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn là 28,42 điểm). Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc. Với những ngành học này, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình gần 9,8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Trong nhóm ngành đào tạo giáo viên, dù có đầu vào thấp nhất là 22,69 điểm, nhưng ngành Sư phạm Mỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng tăng 4,39 điểm so với năm trước. Ngành Sư phạm Địa lý cũng có điểm chuẩn trên 29. Các ngành Sư phạm khác đều lấy từ 22,69 trở lên, có ngành tăng hơn 4 điểm so với năm ngoái.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng yêu thích là điều bình thường, vì nguyên tắc xét tuyển đại học là chọn từ cao xuống thấp.

Còn nếu so sánh điểm chuẩn các năm với nhau, thì thấy năm nay có vẻ cao quá. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận việc tuyển sinh đại học mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, khi có nhiều người đạt điểm thuộc tốp trên, những người tốp dưới đương nhiên bị mất cơ hội. Đó là quy tắc của việc lựa chọn, sàng lọc nên không có gì bất thường.

“Tôi cho rằng, đây là việc bình thường trong cuộc sống. Bởi không phải lúc nào cũng chỉ có mình giỏi, xung quanh có thể có những người khác giỏi hơn và chúng ta phải chấp nhận chuyện đó”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói và nhận định, nhìn chung, điểm chuẩn vào các ngành của trường sư phạm đều tăng.

 Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tham gia Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tham gia Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường. Ảnh: NTCC

Tín hiệu đáng mừng

Lý giải về thực trạng này, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi, một trong những lý do là, nhà trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển theo diện tuyển thẳng. Điều này khiến cho việc cạnh tranh ở những thí sinh khác trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường sư phạm do Bộ GD&ĐT phân bổ. Việc này còn phụ thuộc vào nhu cầu của các địa phương. Trên số lượng “đặt hàng” của địa phương, Bộ GD&ĐT mới có cơ sở để giao về các trường sư phạm. Năm nay, hầu hết ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều giảm chỉ tiêu so với năm ngoái.

Mặt khác, chính sách của Nhà nước về việc cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học sư phạm đã thu hút số lượng sinh viên vào ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, số đăng ký vào ngành Sư phạm tăng vọt; trong khi chỉ tiêu có hạn nên điểm chuẩn tăng là điều dễ hiểu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phân tích, yếu tố hấp dẫn thí sinh đăng ký nhóm ngành Sư phạm tăng là do có chính sách miễn học phí và sinh hoạt phí dành cho giáo sinh. Chính sách tác động đến lựa chọn của thí sinh, nhất là trong bối cảnh học phí nhiều ngành tăng mạnh.

Ngoài ra, chỉ tiêu thấp, có ngành Sư phạm chỉ tuyển 15 - 20 sinh viên, trong khi các trường xét tuyển bằng nhiều phương thức, dẫn đến số lượng sinh viên dành cho xét điểm thi tốt nghiệp còn ít. “Những yếu tố này đã tác động đến điểm chuẩn của nhiều ngành Sư phạm”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận và cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay tăng, nhất là các ngành tuyển bằng tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, điểm chuẩn khối Sư phạm cao là tín hiệu đáng mừng. Thực tế này cho thấy, nhu cầu của xã hội, tuyển dụng giáo viên phổ thông rất rõ. Năm nay, tổng chỉ tiêu dành cho ngành Sư phạm thấp hơn năm trước một chút. Với những trường đào tạo có uy tín, chỉ tiêu thấp hơn nên điểm chuẩn tăng lên.

“Điểm chuẩn cao thì đầu vào cũng cao hơn, tức là ngành Sư phạm được quan tâm nhiều hơn”, Thứ trưởng bày tỏ và cho biết, so với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%.

Đặt vấn đề, một số ngành Sư phạm có điểm chuẩn cao - trên 29 điểm, thí sinh hơn 9 điểm/môn vẫn trượt, Thứ trưởng trao đổi, cần có phân tích kỹ để so sánh với số học sinh, thí sinh đăng ký xét tuyển. Vì vậy, ở thời điểm này, không nên đánh giá định tính mà phải có số liệu minh chứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), những năm vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ về tuyển sinh; trong đó có quyền tự quyết phương thức xét tuyển. Chỉ tiêu lớn được dành cho các phương thức xét tuyển sớm nên ảnh hưởng đến số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng cao ở một số ngành; trong đó có lĩnh vực đào tạo giáo viên.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, cần điều chỉnh giữa các phương thức xét tuyển để tạo công bằng cho thí sinh. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc chỉnh sửa Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non sắp tới.

Đứng từ phía phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, việc băn khoăn khi con được hơn 9,7 điểm/môn vẫn trượt cũng không khó hiểu. Những thí sinh có mức điểm cao như vậy, trong trường hợp không trúng tuyển ngành/nguyện vọng có tính cạnh tranh cao nhất, sẽ trúng tuyển những ngành khác thấp hơn, bởi theo quy định thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/diem-chuan-nhieu-nganh-su-pham-cao-kich-ban-duoc-du-bao-post697845.html