Điểm chung giữa quản lý và hacker

Tư duy giống hacker giúp cấp trên tìm ra được các chiến lược làm việc phù hợp hơn thay vì mãi đi theo các nguyên tắc đã lỗi thời.

 Học theo lối suy nghĩ của hacker giúp cấp quản lý điều hành tổ chức hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: Barney Yau/Unsplash.

Học theo lối suy nghĩ của hacker giúp cấp quản lý điều hành tổ chức hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: Barney Yau/Unsplash.

Paulo Savaget, tác giả cuốn sách The Four Workarounds (tạm dịch: Bốn giải pháp thay thế) kiêm Phó Giáo sư tại khoa Khoa học Kỹ thuật, Đại học Oxford và trường Kinh doanh Saïd, phát hiện ra rằng hacker (tin tặc) là những người có tư duy hệ thống.

Họ có thể tìm ra phương án giải quyết một cách nhanh chóng, sáng tạo và bền bỉ, ngay cả khi đối mặt với các vấn đề khó nhằn.

Thực tế, suy nghĩ giống hacker cũng có thể giúp ích cho các nhà quản lý tại công ty. Điều này giúp họ vượt qua các chướng ngại công việc cũng như dẫn dắt nhân sự một cách hiệu quả hơn, theo Harvard Business Review.

 Trực tiếp giải quyết khó khăn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Trực tiếp giải quyết khó khăn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Vòng qua chướng ngại vật

Thông thường, mọi người có xu hướng đối đầu trực diện với khó khăn. Tuy nhiên, việc làm này dễ làm chúng ta trở nên bối rối hay thậm chí “tê liệt” trước vấn đề.

Trái ngược, hacker chọn tìm những giải pháp thay thế (workaround) hữu hiệu thay vì trốn tránh hay hướng thẳng vào chướng ngại vật.

Để dễ hình dung, chúng ta hãy xem xét câu chuyện thần thoại Hy Lạp về con ngựa thành Troy.

Không cần phá cổng hay tường thành, người Hy Lạp ẩn mình trong một con ngựa gỗ khổng lồ và thành công lẻn vào trong thành Troy. Về sau, Trojan Horse (con ngựa thành Troy) cũng trở thành tên của một loại mã hack máy tính khét tiếng.

Workaround có thể không giải quyết được tất cả các vấn đề cùng một lúc. Song, chúng cho phép hacker đạt được kết quả “đủ dùng”.

 Quản lý nên chủ động mở rộng và tiếp cận với những thách thức mới. Ảnh minh họa: Andres Ayrton/Pexels.

Quản lý nên chủ động mở rộng và tiếp cận với những thách thức mới. Ảnh minh họa: Andres Ayrton/Pexels.

Chia sẻ

Dưới góc độ doanh nghiệp, "silo" là trạng thái tâm lý khi một số bộ phận không muốn hợp tác và chia sẻ thông tin với những người khác trong cùng một công ty.

Dù có thể lập kế hoạch và kiểm tra công việc nhanh hơn, nhân viên thuộc bộ phận này không giỏi ứng biến với thay đổi. Họ sống trong tương lai gần và luôn ở trong trạng thái chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Mặt khác, hacker lại chủ động và sẵn sàng khám phá những điều mình không quen thuộc. Điều này cho phép họ tìm ra những phương pháp hay sáng kiến mới mẻ và hữu dụng.

Paulo Savaget nhắc đến câu chuyện về ColaLife để dẫn chứng cho lối tư duy hacker này. Sứ mệnh của tổ chức phi lợi nhuận trên là tăng khả năng phân phối thuốc tiêu chảy đến những khu vực xa xôi ở Zambia (châu Phi).

Jane và Simon Berry, những người sáng lập ColaLife, nhận thấy rằng Coca-Cola được phổ biến rộng rãi tại Zambia. Họ nảy ra ý tưởng đính kèm thuốc trị tiêu chảy miễn phí cùng các thùng Coca-Cola. Bắt nguồn từ màn hợp tác với Coca-Cola, cả hai đã chuyển kế hoạch từ cho thuốc vào thùng nước uống sang tận dụng toàn bộ hệ thống và các mối quan hệ để thúc đẩy việc phân phối thuốc đến nhiều nơi hơn.

Bằng lối suy nghĩ chia sẻ như hacker, vào năm 2019, công ty dược phẩm đối tác của họ đã phân phối hơn 615.000 bộ điều trị ở Zambia và cứu sống hàng nghìn người.

 Các ban quản lý cần biết học cách tận dụng nhiều khía cạnh của tài nguyên và nhân sự mình có. Ảnh minh họa: Kindel Media/Pexels.

Các ban quản lý cần biết học cách tận dụng nhiều khía cạnh của tài nguyên và nhân sự mình có. Ảnh minh họa: Kindel Media/Pexels.

Linh hoạt

Việc áp dụng tư duy của hacker có thể giúp tạo ra một văn hóa làm việc thực tế và linh hoạt hơn. Paulo Savaget từng gặp một hacker sử dụng máy pha cà phê đa chức năng để luộc trứng. Anh ấy bỏ qua bộ công dụng của chiếc máy và chỉ tập trung vào chức năng mình cần.

Các nhà quản lý thường tập trung vào điểm thiếu sót và bỏ qua các nguồn lực họ có thể tận dụng. Trong khi đó, hacker hiểu rằng tài nguyên sẵn có sở hữu nhiều lợi ích hơn thế. Cách đánh giá khách quan và toàn diện này giúp họ tìm thấy nhiều giải pháp và con đường phát triển hơn.

 Hacker cho chúng ta thấy việc tiếp cận vấn đề theo hướng đơn giản trước tiên sẽ có lợi hơn. Ảnh minh họa: fauxels/Pexels.

Hacker cho chúng ta thấy việc tiếp cận vấn đề theo hướng đơn giản trước tiên sẽ có lợi hơn. Ảnh minh họa: fauxels/Pexels.

Đơn giản hóa

Một số vấn đề lộn xộn và không thể giải quyết bằng một cách duy nhất. Vì vậy, tiếp cận chúng theo hướng phức tạp khó mà hiệu quả.

Hacker giỏi việc vượt qua các tình huống như thế này vì biết cách tập trung vào những nút rối cơ bản (essential complexity) hay các điểm chính của vấn đề. Những nút rối ngẫu nhiên (accidental complexity) có khả năng gây xao nhãng khỏi nhiệm vụ thiết yếu sẽ bị họ bỏ qua.

Các lập trình viên máy tính cho Paulo Savaget thấy rằng chìa khóa của một phần mềm hoặc mạng kỹ thuật số mạnh mẽ thường nằm ở việc xây dựng và kết nối các thành phần đơn giản.

Mọi người hãy thử nghĩ về Lego. Trò chơi này cho phép lắp ráp nhiều khối đồ chơi với nhau. Cấu hình khối Lego càng phức tạp thì càng khó để sắp xếp và xoay chiều theo ý muốn. Nói cách khác, những khối đơn giản hữu dụng hơn. Chúng có thể giúp người dùng xây dựng cả một lâu đài, cây cầu và nhiều tổ hợp khác nhanh chóng.

Tóm lại, khi tin rằng mọi vấn đề khó nhằn đều cần giải pháp phức tạp, các nhà quản lý dễ dàng chọn đương đầu trực diện và thất bại trong việc nhận biết được những nút rối cơ bản. Thêm vào đó, cố gắng giải quyết mọi khía cạnh của một vấn đề rối ren khả năng cao sẽ làm họ chật vật hơn.

Lúc này, mọi người nên ưu tiên đơn giản hóa sự việc. Cách này sẽ không giúp chuyện trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, về lâu dài, chúng ta có thể ứng biến và thích nghi nhanh chóng với các thách thức mới.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-chung-giua-quan-ly-va-hacker-post1419975.html