Điểm 'đáng sợ' của pháo tự hành CAESAR trong thực chiến ở Ukraine

Mặc dù một số khẩu CAESAR được cho là đã bị phá hủy trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng pháo CAESAR đã được chứng minh là một loại vũ khí đáng gờm trên thực địa.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine kể từ tháng 2/2022 mang đến cơ hội duy nhất cho quân đội phương Tây thử nghiệm trang bị và học thuyết của họ trong các tình huống thực chiến.

Cuộc chiến này đã thách thức những giả định về tính ưu việt của trang thiết bị phương Tây so với các thiết bị tương đương của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực pháo binh. Tuy nhiên, có một thiết bị đặc biệt có vẻ nổi bật, đó là pháo tự hành CAESAR do Pháp sản xuất.

Là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, giống như các đồng minh phương Tây của Kiev, Pháp đã chuyển giao loại pháo tự hành tiên tiến nhất của mình.

Tính đến nay, cùng với nhau, Pháp và Đan Mạch đã trang bị khoảng 50 khẩu CAESAR cho các lực lượng vũ trang Ukraine, và các đồng minh có kế hoạch cung cấp thêm 72 hệ thống nữa như vậy vào cuối năm nay.

Mặc dù một số khẩu CAESAR được cho là đã bị phá hủy trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng CAESAR đã được chứng minh là một loại vũ khí đáng gờm, với việc ngay cả một số blogger quân sự thân Nga và pháo binh Nga cũng thừa nhận đó là “vũ khí khủng khiếp nhất của người Ukraine”.

Trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 30 tháng, cả Nga và Ukraine đều dựa chủ yếu vào pháo binh để giành ưu thế trên chiến trường. Hai bên đã sử dụng rộng rãi các hệ thống từ thời Liên Xô, như pháo kéo cỡ trung 2A65 Msta-B và pháo tự hành 2S1 Gvozdika. Tuy nhiên, chúng là những hệ thống có từ thời Chiến tranh Lạnh nên độ chính xác và tính dễ sử dụng của chúng còn nhiều điều chưa được như mong đợi.

Trong khi Nga chủ yếu vẫn tận dụng kho vũ khí cũ, Ukraine có lợi thế là nhận được các hệ thống pháo binh hiện đại của phương Tây, như PzH 2000 của Đức, AHS Krab của Ba Lan và tất nhiên là CAESAR của Pháp.

Nổi bật với hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) kỹ thuật số, các hệ thống pháo binh phương Tây có thể bắn một cách chính xác nhiều loại đạn dược, từ loại nổ mạnh tiêu chuẩn đến đạn chùm 155 mm. Nhưng pháo CAESAR nói riêng có một số tính năng khiến nó trở thành “vũ khí đáng sợ” ở bất cứ nơi nào nó được triển khai.

Pháo binh bánh lốp

Đúng như tên gọi của mình, CAESAR – viết tắt của “Camion Équipé d’un Système d’Artillerie” nghĩa là “Xe tải được trang bị hệ thống pháo binh” – là hệ thống pháo gắn trên xe tải (pháo binh bánh lốp) có cỡ nòng 155 mm và chiều dài ống nòng 52 (gấp 52 lần cỡ nòng của vũ khí).

Khung gầm bánh lốp, thay vì bánh xích như trường hợp của các loại pháo tự hành khác như M109A6 Paladin của Mỹ, mang lại cho CAESAR khả năng di chuyển tuyệt vời trên những con đường lầy lội ở vùng nông thôn Ukraine.

Pháo tự hành CAESAR khai hỏa trên tiền tuyến Ukraine. Ảnh: El Pais

Pháo tự hành CAESAR khai hỏa trên tiền tuyến Ukraine. Ảnh: El Pais

Được thiết kế bởi Nexter Systems ở Pháp, CAESAR hiện được sử dụng ở một số quốc gia bao gồm Pháp, Indonesia, Thái Lan và Ukraine. Hệ thống pháo này có trọng lượng dưới 18.000 kg và có thể đạt tốc độ 90 km/h trên đường trường và 50 km/h trên địa hình.

CAESAR được trang bị cabin không được bảo vệ tiêu chuẩn, nhưng nó có thể được nâng cấp lên bảo vệ đạn đạo cấp 2 và bảo vệ bom mìn cấp 2, cũng như bảo vệ chống lại các thiết bị nổ tự chế (IED). Tổ lái có thể dao động từ 3-5 binh sĩ.

Các phụ kiện bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính để điều hướng trên mặt đất và bố trí súng, khả năng tương thích GPS, radar vận tốc đầu nòng, máy tính đạn đạo có thể thích ứng với mọi hệ thống điều khiển hỏa lực, bộ nguồn phụ và thiết bị bảo trì như bánh xe dự phòng và tời.

Về tầm bắn, CAESAR có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, cung cấp tầm bắn từ 4,5-40 km đối với đạn tiêu chuẩn, lên tới 42 km đối với đạn pháo cỡ nòng mở rộng và tăng tầm bắn với đạn pháo tăng cường vận tốc (VLAP). CAESAR có tầm hoạt động 600 km.

Khi đã vào vị trí, hệ thống vũ khí tự động (AWS) của CAESAR sẽ tự động triển khai súng và sử dụng dữ liệu mục tiêu được cung cấp qua Safran SIGMA 30 FCS, định vị nòng súng ở hướng và góc thích hợp.

FCS tiên tiến, đặc biệt khi kết hợp với đạn pháo thông minh như Vulcano hay Excalibur, giúp lính pháo binh có khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao như trạm chỉ huy, hệ thống tác chiến điện tử (EW)… hoặc các vị trí cố thủ với độ chính xác cực cao.

Chiến thuật lợi hại

Tuy nhiên, độ chính xác của CAESAR không phải là khía cạnh nguy hiểm nhất của cỗ pháo này. CAESAR đáng sợ ở chỗ nó có khả năng “shoot and scoot” (bắn và chạy).

Sau khi bắn liên tiếp 6 viên đạn chính xác (được hỗ trợ bởi bộ nạp bán tự động ở phiên bản 6x6 hoặc bộ nạp tự động hoàn toàn ở phiên bản 8x8), tổ lái có thể nhanh chóng đóng gói hệ thống và trong vòng chưa đầy một phút, CAESAR đã sẵn sàng để di chuyển ra khỏi tầm hỏa lực thù địch.

Chiến thuật “bắn và chạy” được lính pháo binh sử dụng để di chuyển đến vị trí bắn mới, khiến đối phương vô cùng khó khăn trong việc đáp trả bằng hỏa lực phản công chứ chưa nói đến việc phá hủy hệ thống.

Vào thời điểm quả đạn đầu tiên chạm đất và radar phản pháo của đối phương theo dõi vòng cung bắn, chuyển tiếp thông tin đến đội pháo binh gần nhất để thực hiện nhiệm vụ khai hỏa, CAESAR đã có thể di dời cách đó hàng chục km.

Các blogger quân sự tin rằng cách duy nhất để vô hiệu hóa CAESAR là sử dụng các loại máy bay không người lái cảm tử kamikaze như Lancet với đạn lảng vảng, hoặc các cuộc tấn công chính xác được dẫn đường bằng máy bay không người lái sử dụng tên lửa đạn đạo như Iskander. Đây là lý do khiến một số đơn vị CAESAR đã bị phá hủy trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Pháo binh Ukraine thường phàn nàn về thiết bị điện tử của hệ thống pháo tự hành CAESAR không chịu nổi dù chỉ một chút bùn đất. Ảnh: EuroNews

Pháo binh Ukraine thường phàn nàn về thiết bị điện tử của hệ thống pháo tự hành CAESAR không chịu nổi dù chỉ một chút bùn đất. Ảnh: EuroNews

Nhược điểm đáng kể

Vượt trội là thế, nhưng CAESAR lại có một nhược điểm đáng kể. Các binh sĩ pháo binh Ukraine thường phàn nàn về thiết bị điện tử của hệ thống pháo này. Chỉ một lượng nhỏ bùn, thường thấy ở thảo nguyên Ukraine, cũng có thể làm tê liệt các máy tính nhạy cảm và khiến toàn bộ hệ thống không thể hoạt động được.

Mặc dù CAESAR được thiết kế cho chiến thuật “bắn và chạy”, các lựa chọn khác như pháo kéo M777 có thể khai hỏa và dịch chuyển nhanh hơn. Khi kết hợp với FCS kỹ thuật số và đạn Excalibur thông minh, M777 có thể mang lại độ chính xác và tầm bắn tương tự như CAESAR, đồng thời có tốc độ phóng nhanh hơn để tránh hỏa lực phản công từ các máy bay không người lái tự sát kamikaze như Lancet.

Sự phức tạp của CAESAR cũng gây lo ngại cho pháo binh Ukraine. Mặc dù các kỹ thuật viên người Ukraine có thể xử lý việc sửa chữa tại hiện trường và thực hiện một số quy trình bảo trì nhất định, nhưng cuối cùng họ lại thiếu cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn cần thiết để thực hiện các công việc sửa chữa phức tạp hơn.

Do đó, CAESAR thường phải được chuyển đến Ba Lan để thực hiện những quy trình đại tu lớn. Việc vận chuyển các hệ thống cồng kềnh như vậy qua lại thường chiếm rất nhiều thời gian trong khi thời gian là thứ quý báu trên chiến trường.

Bất chấp tất cả những vấn đề này, CAESAR vẫn chứng tỏ là một hệ thống vũ khí hiệu quả và có giá trị cao đối với các lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài chưa thấy hồi kết.

Minh Đức (Theo Slash Gear, Army Recognition)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/diem-dang-so-cua-phao-tu-hanh-caesar-trong-thuc-chien-o-ukraine-a668364.html