'Điểm danh' khi bộ đội nghỉ phép

Rút kinh nghiệm từ việc hạ sĩ quan, chiến sĩ vi phạm kỷ luật khi được nghỉ phép những năm trước đây, Sư đoàn 316, Quân khu 2 đã triển khai việc 'điểm danh' khi bộ đội về gia đình. Trang 'Ý kiến chiến sĩ' giới thiệu kinh nghiệm tổ chức thực hiện việc này ở Sư đoàn 316 cũng như hiệu quả đem lại.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ... chỉ huy Sư đoàn 316 đã thưởng nóng phép cho 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiệm vụ này, thời gian nghỉ phép là 7 ngày nhằm kịp thời động viên, khích lệ bộ đội.

Căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ huy đơn vị tiến hành cho chiến sĩ nghỉ luân phiên chứ không nghỉ cùng một lúc, bảo đảm công bằng, ai cũng được thưởng, trừ những đồng chí vi phạm kỷ luật trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sư đoàn cũng yêu cầu, trước khi cho chiến sĩ về nghỉ phép, chỉ huy các đơn vị phải tiến hành tập trung gặp gỡ, giao nhiệm vụ và yêu cầu từng người viết cam kết không vi phạm pháp luật, quy định của địa phương; không lái ô tô, xe máy, không uống bia, rượu; không tham gia các hoạt động cờ bạc, cá độ dưới mọi hình thức; không sử dụng internet, mạng xã hội làm lộ lọt bí mật quân sự...

Đại úy Hoàng Anh Thế, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) hỏi thăm các chiến sĩ sau khi hết phép trở lại đơn vị.

Đại úy Hoàng Anh Thế, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) hỏi thăm các chiến sĩ sau khi hết phép trở lại đơn vị.

Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 cho biết: “Sau khi nhập ngũ, từ tháng thứ mười ba trở đi, các chiến sĩ mới được giải quyết chế độ phép. Vì thế, anh em rất nhớ nhà, nhớ quê hương và vui mừng khi được nghỉ phép.

Để bộ đội vui chơi có điểm dừng, tránh vi phạm pháp luật, ngoài các quy định nêu trên, chúng tôi còn “điểm danh” từ xa. Nhìn chung, chiến sĩ và gia đình rất vui mừng, phấn khởi, tin tưởng phương pháp quản lý của đơn vị khi bộ đội về nghỉ phép ở quê nhà”.

Theo Đại úy Hoàng Anh Thế, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316), để “điểm danh” bộ đội từ xa, trung đội trưởng, đại đội trưởng phải lấy số điện thoại của đồng chí chỉ huy trưởng Ban CHQS xã/phường và của bố mẹ hoặc người thân chiến sĩ để kết nối, gọi video call bằng ứng dụng mạng gặp gỡ chiến sĩ vào lúc 21 giờ hằng ngày. Nếu có việc đột xuất, phải báo cáo ngay tình hình với cấp trên.

“Những chiến sĩ đi chơi vắng không “điểm danh” được thì bố mẹ phải có trách nhiệm gọi lại cho đơn vị khi chiến sĩ về đến nhà. Chiến sĩ về muộn cũng phải điện thoại cho chỉ huy đơn vị biết, còn nếu gia đình không điện lại thì sáng sớm hôm sau, chỉ huy sẽ liên lạc với gia đình nắm tình hình và liên lạc với chính quyền địa phương thông báo tình hình việc chấp hành chưa nghiêm của chiến sĩ. Khi bộ đội hết thời gian nghỉ phép phải có xác nhận của địa phương về việc chấp hành pháp luật, kỷ luật và quy định của địa phương. Các chiến sĩ được nghỉ phép đợt vừa rồi đều tự giác dùng điện thoại của gia đình gọi báo cáo trong từng ngày nghỉ phép”, Đại úy Hoàng Anh Thế thông tin thêm.

Nhớ lại lúc nhận giấy thưởng phép 7 ngày, Binh nhất Đàm Văn Sơn, chiến sĩ Trung đội 4, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 98), quê ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) phấn khởi chia sẻ: “Được cấp trên thưởng phép, tôi và đồng đội rất vui mừng vì được về gia đình nghỉ ngơi ít ngày, gặp gỡ người thân. Tôi cũng thấy rằng, nội dung quy định của đơn vị đối với quân nhân khi nghỉ phép là phù hợp, cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho quân nhân. Hơn nữa, dù mình có thành tích tốt đến mấy mà một lần để xảy ra vi phạm, mất an toàn cũng sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình phấn đấu của đơn vị, nhưng chịu thiệt trước hết vẫn là bản thân, gia đình mình. Vì thế, tôi luôn nhớ và chấp hành nghiêm quy định của đơn vị khi nghỉ phép cũng như chủ động báo cáo chỉ huy đơn vị thông qua ứng dụng mạng”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, những năm gần đây, Sư đoàn 316 không chỉ quan tâm giải quyết đủ phép theo chế độ quy định hiện hành cho hạ sĩ quan, binh sĩ mà khi các chiến sĩ lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác hoặc đột xuất như tham gia hội thi, hội thao, hội diễn đạt thành tích cao; làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, thiên tai; nhặt được của rơi trả người đánh mất; cứu người trong tình trạng khẩn cấp, nguy hiểm... thì đều được đơn vị thưởng phép từ 7 ngày, tùy từng trường hợp cụ thể. Qua đó khích lệ bộ đội hăng hái thi đua lập thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, chế độ, nền nếp.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

-----------------------

Hiệu quả thiết thực

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị, công trường của Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân hoạt động phân tán, dài ngày trên nhiều hướng, nhiều khu vực khác nhau. Hằng năm, chúng tôi tổ chức quán triệt, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nắm được chế độ, tiêu chuẩn, các quy định về việc nghỉ phép của quân nhân. Đối với chiến sĩ, chỉ huy cơ quan, đơn vị đã tiến hành gặp gỡ, quán triệt lại các văn bản, quy định trước khi giải quyết về nghỉ phép tại địa phương.

Trung đội 1, Đại đội 10, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân huấn luyện bố trí bãi vật cản chống đổ bộ đường sông, đường biển. Ảnh: BẢO DUY

Trung đội 1, Đại đội 10, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân huấn luyện bố trí bãi vật cản chống đổ bộ đường sông, đường biển. Ảnh: BẢO DUY

Trước khi đi phép, chiến sĩ phải viết cam kết thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ luật, các quy định của đơn vị cũng như của địa phương trong quá trình nghỉ phép. Cùng với đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ xã hội của quân nhân, nắm chắc chất lượng chính trị để có những biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp.

Trong quá trình chiến sĩ nghỉ phép, người chỉ huy thường xuyên liên lạc với quân nhân để nắm tình hình, động viên, nhắc nhở việc chấp hành pháp luật, kỷ luật; chủ động liên hệ, phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để nắm tình hình, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của quân nhân.

Nhờ kết hợp đồng bộ các giải pháp, nhiều năm qua, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn chấp hành tốt chế độ nghỉ phép theo quy định. Các chiến sĩ về địa phương nghỉ phép đều tự giác chấp hành tốt kỷ luật, giải quyết hài hòa các mối quan hệ khi tiếp xúc với nhân dân, trả phép đúng thời gian quy định. Sau khi trả phép, các quân nhân đều phấn khởi, hăng hái trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ngoài việc không để xảy ra vi phạm pháp luật, kỷ luật thì việc phối hợp giữa đơn vị, gia đình và địa phương trong quản lý chiến sĩ nghỉ phép còn giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân đối với gia đình, đồng chí, đồng đội và đơn vị.

Trung tá TRƯƠNG ĐỨC HIỂN, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân

-------------------------

Thực hiện đúng nội dung cam kết khi nghỉ phép

Những ngày nghỉ phép là quãng thời gian thật sự ý nghĩa, đặc biệt với những người lần đầu xa gia đình lâu như tôi. Gia đình tôi hiện đang sinh sống tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Bố tôi mất từ năm tôi 11 tuổi, một mình mẹ nuôi hai anh em tôi ăn học, gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, về thăm nhà là dịp để tôi giúp đỡ mẹ việc nhà và động viên, chia sẻ nỗi vất vả với mẹ.

Chỉ huy Trung đội Trinh sát 2, Đại đội Trinh sát phóng xạ hóa học 1 (Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3) gặp gỡ chiến sĩ trước khi về phép. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Chỉ huy Trung đội Trinh sát 2, Đại đội Trinh sát phóng xạ hóa học 1 (Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3) gặp gỡ chiến sĩ trước khi về phép. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Trước khi giải quyết cho tôi nghỉ phép, chỉ huy các cấp tổ chức sinh hoạt, quán triệt, nhắc nhở mang mặc quân phục phải đúng tác phong, xưng hô, chào hỏi văn minh, lịch sự, chú trọng giữ gìn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng viết cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, quy định của địa phương, đặc biệt là những quy định khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, chỉ huy trung đội, đại đội cũng gặp gỡ riêng để nắm tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những nhu cầu chính đáng của tôi; định hướng một số việc nên làm khi về nghỉ phép như đi thăm ông bà, họ hàng, dành thời gian giúp đỡ gia đình, người thân, tích cực tham gia các hoạt động chung của thôn, xóm nơi cư trú, không đi du lịch xa, dài ngày.

Đặc biệt, do xa nhà lâu ngày và được mọi người quý mến nên tôi thường xuyên được mời giao lưu, uống rượu. Ghi nhớ nội dung cam kết và quy định của đơn vị, tôi từ tốn giải thích rõ để người thân hiểu và thông cảm. Trong thời gian tôi nghỉ phép, chỉ huy đơn vị thường xuyên gọi điện về hỏi thăm, nắm tình hình, đồng thời phối hợp với gia đình nhắc nhở, động viên tôi chấp hành các quy định.

Trước khi hết phép 1-2 ngày, các đồng chí chỉ huy gọi điện thông báo để tôi nắm thời gian và chủ động thu xếp công việc gia đình trở về đơn vị đúng quy định, an toàn.

Trung sĩ DƯƠNG VĂN LỘC, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội Trinh sát 2, Đại đội Trinh sát phóng xạ hóa học 1, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3

---------------------------------------

Phối hợp quản lý bộ đội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả

Công tác quản lý các chiến sĩ được thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả thông qua sự phối hợp giữa địa phương, đơn vị quản lý và gia đình. Cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức gặp gỡ các gia đình có con em nhập ngũ để nắm bắt tình hình, hỗ trợ và cùng động viên chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Hội đồng nghĩa vụ quân sự TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng tổ chức thuê xe đưa gia đình đến đơn vị để thăm hỏi, động viên, tặng quà chiến sĩ. Ngược lại, đơn vị cũng thường xuyên thông báo, trao đổi với địa phương về kết quả rèn luyện, chấp hành kỷ luật của chiến sĩ. Kết quả của sự phối hợp này là các chiến sĩ có tinh thần phấn chấn, yên tâm công tác; gia đình luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong thời gian con em thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ban CHQS phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phối hợp tiếp nhận thông tin, tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho thanh niên. Ảnh: PHAN HỮU

Ban CHQS phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phối hợp tiếp nhận thông tin, tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho thanh niên. Ảnh: PHAN HỮU

Từ tháng thứ mười ba trở đi, các chiến sĩ được giải quyết phép về thăm gia đình. Khi được đơn vị giải quyết phép, chiến sĩ phải mang theo giấy xác nhận và nộp tại Ban CHQS phường. Sau đó, chúng tôi phối hợp với ban nhân dân khóm nắm chắc việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương, kịp thời báo về đơn vị.

Trong thời gian này, đơn vị quản lý thường xuyên trao đổi, nắm tình hình chiến sĩ. Khi hết phép, chiến sĩ sẽ nhận lại giấy xác nhận có nhận xét của Ban CHQS phường để trở lại thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Nhờ đó, trong thời gian nghỉ phép, các chiến sĩ luôn chấp hành nghiêm các quy định, trở lại đơn vị đúng thời gian, có tâm lý, tinh thần tốt để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí HỒ HOÀNG VINH, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/diem-danh-khi-bo-doi-nghi-phep-801530