Điểm đầu cao tốc Quy Nhơn - Pleiku kết nối với Khu công nghiệp và Bến cảng Phù Mỹ
Bình Định chủ trương điểm đầu tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ giao với đường ven biển ĐT.639 nhằm kết với khu công nghiệp và cảng biển Phù Mỹ trong tương lai. Phương án này sẽ sớm được trình lên Bộ Giao thông vận tải.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa đồng ý với phương án điều chỉnh hướng tuyến và quy mô đầu tư xây dựng của Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku kéo dài đến Khu công nghiệp và Bến cảng Phù Mỹ và giao Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh chủ trì khẩn trương tham mưu đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải để cập nhật các nội dung điều chỉnh, bổ sung vào dự án.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bình Định, điểm đầu giao với đường ven biển ĐT.639 (tại lý trình khoảng Km 49+282), thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ; điểm cuối vị trí dự kiến xây dựng hầm An Khê, ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai.
Chiều dài đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 69,3 km, trong đó có tận dụng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT01) khoảng 30km.
Cụ thể, đoạn 01 dài khoảng 16 km từ điểm đầu, tuyến đi theo hướng Tây đến cao tốc Bắc – Nam phía Đông; đoạn 02 dài khoảng 30km tận dụng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ nút giao Phù Mỹ đến nút giao Quốc lộ 19B; đoạn 03 dài khoảng 23,3 km từ Quốc lộ 19B đi về hầm An Khê theo hướng tuyến đang trình Bộ Giao thông vận tải.
Về quy mô, dự án xây dựng theo phương án hoàn chỉnh Bnền = 24,75 m; có 2 nút giao liên thông tại vị trí giao với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19; đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19 B hiện hữu từ nút giao Quốc lộ 19B (thuộc CT01) đến cổng chính sân bay Phù Cát dài 8,7 km đạt đường cấp III - 04 làn xe (Bnền = 20,5m) thành tuyến nối 2 cao tốc với sân bay Phù Cát.
Được biết, trước đó vào ngày 5/12/2024, trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định đề cập việc đã giao Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, khảo sát và báo cáo đề xuất phương án hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku với những nội dung chính như trên.
Về lý do điều chỉnh hướng tuyến, UBND tỉnh Bình Định đề cập, theo Quy hoạch vùng huyện Phù Mỹ điều chỉnh, bến cảng Phù Mỹ được định hướng là khu chức năng công trình giao thông – cảng biển gắn liền với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho Khu công nghiệp Phù Mỹ.
“Trong tương lai, nơi này hứa hẹn sẽ trở thành cảng biển trung chuyển hàng hóa lớn của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Theo định hướng đó, việc nghiên cứu điều chỉnh điểm đầu phương án hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku để kết nối với cảng Phù Mỹ nhằm định hướng phát triển hệ thống giao thông để đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa phục vụ cho khu công nghiệp và cảng biển là rất cần thiết”, UBND tỉnh nêu lý do trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải.
Trong văn bản trả lời cử tri và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định vào ngày 10/10/2024, Bộ Giao thông vận tải đề cập, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (CT.20) có chiều dài 180 km; điểm đầu tại cảng Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, điểm cuối tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; quy mô 4 làn xe.
Sau đó, theo đề nghị của tỉnh Bình Định vào ngày 26/6/2024, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát cập nhật điều chỉnh nội dung quy hoạch tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với điểm đầu tuyến từ cảng Nhơn Hội về thị xã An Nhơn.
Về phương thức đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu và có văn bản số 1191/LT-GL-BĐ ngày 19/5/2024 báo cáo Thủ tướng về phương án đầu tư; trong đó kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 37.653 tỷ đồng.
Và trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, UBND tỉnh Bình Định cho rằng phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là không khả thi; đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư theo hình thức đầu tư công (giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND tỉnh Bình Định sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư theo địa giới hành chính).
Theo phương án điều chỉnh của UBND tỉnh Bình Định, Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có tổng mức đầu tư dự kiến tăng từ 35.940 tỷ đồng lên 38.419 tỷ đồng (do địa bàn Bình Định tăng từ 13.790 tỷ đồng lên 16.269 tỷ đồng). Chiều dài tuyến tăng từ 122,9 km lên 154,9 km (tăng ở tỉnh Bình Định thêm 32 km).