Điểm đến của âm nhạc cổ điển tại Đà Lạt
Với hàng loạt chương trình biểu diễn thường kỳ hằng năm, đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng trong dịp Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong năm 2024, Phố Bên Đồi đến nay sau gần 10 năm thành lập tại Đà Lạt, đã định vị trong lòng người dân thành phố hoa và du khách như là một điểm đến của âm nhạc cổ điển.
Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi được thành lập từ năm 2016 tại Đà Lạt, là một trung tâm hoạt động đa ngành, thực hiện nhiều dự án về nghệ thuật, đặc biệt là việc đưa âm nhạc cổ điển về với thành phố hoa Đà Lạt. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Phố Bên Đồi đã tổ chức hơn 50 chương trình văn hóa - nghệ thuật, các buổi chia sẻ - học tập với quy mô vừa và nhỏ, đa phần là sự kiện cộng đồng miễn phí.
Ông Nguyễn Trung Hiền - Giám đốc Phố Bên Đồi cho biết, với mục tiêu đồng hành cùng TP Đà Lạt khi được công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO, Phố Bên Đồi trong năm 2024 đã tổ chức hơn 20 buổi biểu diễn - giao lưu âm nhạc cổ điển với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự. “Nhiều hoạt động được chúng tôi tổ chức, trong đó âm nhạc cổ điển vẫn là một điểm nhấn trong các chương trình. Chúng tôi muốn Đà Lạt trở thành điểm đến của âm nhạc cổ điển, của nghệ thuật có chiều sâu, nơi mà những người Đà Lạt có thể đến đây thưởng thức âm nhạc cổ điển, những tác phẩm nổi tiếng thế giới, nơi mà du khách đến có thể cảm nhận được sự khác biệt của Đà Lạt so với những địa phương khác”, ông Hiền cho biết.
Để thực hiện các chương trình trên, Phố Bên Đồi trong năm 2024 đã hợp tác với nhiều đơn vị để tổ chức như: Đại sứ quán Áo tại Việt Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam (British Council in Vietnam); Viện Pháp tại Việt Nam; với các nghệ sĩ và các đơn vị đào tạo chính quy hàng đầu trong nước như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.
Các chương trình này được rải đều các tháng trong năm. Trong tháng 1 diễn ra Chương trình hòa nhạc Schubert “A Tape of Life” - Schubert In A Mug. Trong tháng 2 tại đây có Chương trình Show Ghibli - Bee Chamber và biểu diễn Cello - “Cello Concert”. Tháng 3, Phố Bên Đồi đã tổ chức một sự kiện lớn “Tuần lễ Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam - Vietnam Classical Music Festival”, kéo dài từ ngày 10 - 17/3 với trên 2 ngàn lượt khán giả tham dự.
Trong tháng 4, một sự kiện âm nhạc cổ điển nổi bật tại Phố Bên Đồi với nghệ sĩ kèn Clarinet Anna Koch, người Áo, đến Đà Lạt biểu diễn và giao lưu với khán giả Đà Lạt trong sự kiện “Anna Koch in Dalat - Clarinet Workshop and Performance” với hơn 100 khán giả tham dự.
Tháng 7, Phố Bên Đồi mang đến 2 sự kiện gồm biểu diễn Piano và đàn Cello “The Bui Tran Duo - piano and Cello Concert” và Chương trình Hòa nhạc “Cantabile” của La Muse rất độc đáo. Tháng 8, Phố Bên Đồi tổ chức Trại hè âm nhạc cổ điển “Slide on Strings” với trên 200 người tham dự. Một chương trình khác tổ chức trong tháng này là hội thảo và biểu diễn âm nhạc cổ điển của Giảng viên Piano Võ Diệu Tịnh - Nhạc viện TP Hồ Chí Minh phụ trách.
Tháng 10, nhóm những tài năng trẻ Piano và Violon người Đà Lạt như Thiên Sang, Sumi Ngọc Uyên, Hồ Đăng Minh biểu diễn trong sự kiện Đà Lạt Young Artists Recital - biểu diễn Tài năng trẻ Đà Lạt. Cùng đó là Chương trình The May Duo - Music Talk trong đó có việc chia sẻ việc dạy và học piano. Trong tháng 12, để hưởng ứng các Chương trình của Festival Hoa lần thứ X, Phố Bên Đồi đã tổ chức hàng loạt hoạt động như phối hợp với Viện Pháp trong Chương trình “Piano Recital Olivier Moulin - Hommage a Gabriel Faure” với 200 khán giả tham dự; Chương trình “Meet and Greet” cùng Biểu diễn của ban nhạc “The Big Day” và nghệ sĩ Tuyên Đức (Unlimited) từ sự phối hợp với British Council tại Việt Nam, 500 khán giả tham dự; phối hợp với Khoa Sáng tác - Chỉ huy âm nhạc Học viện TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Giao lưu Âm nhạc “City in Bloom”. Đặc biệt, Phố Bên Đồi đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình biểu diễn Leggero “Waltz of the Flower”như là chương trình hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt với sự góp mặt của các giảng viên - nghệ sĩ gồm Đỗ Việt Anh, Ngô Hương Diệp và Mỹ Dung, được đánh giá rất cao.
Theo ông Hiền, bên cạnh các buổi biểu diễn, Phố Bên Đồi cũng chú trọng phát triển giáo dục âm nhạc cộng đồng qua các chuỗi chương trình biểu diễn - Masterclass - Trại hè âm nhạc với 12 buổi biểu diễn Sân khấu mở (Open Stage) được tổ chức hằng tháng, với sự tham gia hơn 200 các bạn trẻ đang học và chơi nhạc bán chuyên hay nghiệp dư tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Các hoạt động này được mở cửa tự do cho cộng đồng, với sự tham gia hơn 1.000 khán giả xuyên suốt chuỗi nội dung.
Phố Bên Đồi trong năm 2024 cũng tổ chức chương trình “Masterclass” trong đó có 2 chương trình dành cho giáo viên và 1 Trại hè âm nhạc kéo dài 1 tuần, với các buổi biểu diễn mở cửa miễn phí cho cộng đồng. “Tất cả những chương trình này không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn, mà còn hướng đến việc chia sẻ kiến thức, khơi nguồn cảm hứng cho những người đam mê âm nhạc và văn hóa tại Đà Lạt. Đặc biệt, các sự kiện còn tạo cơ hội cho người dân địa phương và du khách được hòa mình vào các hoạt động sáng tạo mang chiều sâu văn hóa”, ông Hiền cho biết.
Trong năm 2025 này, Phố Bên Đồi vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển hằng tháng; mở rộng thêm các chương trình giao lưu - nói chuyện, tăng tính cảm thụ âm nhạc cho người nghe cùng các chương trình giảng dạy âm nhạc cho học sinh, trẻ em. Một lĩnh vực khác mà Phố Bên Đồi cũng đang hướng đến là có thêm các chương trình về hát Opera và nhạc giao hưởng thính phòng. “Một kế hoạch cụ thể phối hợp với các đơn vị trong nước đang được xây dựng. Mục tiêu nhất quán của chúng tôi lâu nay là cùng chung tay đóng góp cho Đà Lạt trong sáng tạo các nội dung nghệ thuật và đồng thực hiện một số các cam kết khi thành phố chính thức tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO”, ông Hiền chia sẻ.