Điểm du lịch xã Hồng Vân làm gì để thu hút du khách và phát triển bền vững?

Du khách đến điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân được trải nghiệm nhiều loại hình dịch vụ du lịch hấp dẫn, mới mẻ.

Xã Hồng Vân nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam. Ngày 12/11/2018, địa phương đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh, tương lai nơi đây còn có tuyến vành đai 4 chạy qua, hứa hẹn sẽ đưa địa phương phát triển.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một hộ kinh doanh tại địa phương cho biết, khách du lịch trong và ngoài nước thường đến địa phương vào dịp cuối tuần. Họ có thể đi theo đoàn về nghỉ dưỡng, ăn uống tại khu home stay ở địa phương.

"Kể từ khi nơi đây trở thành điểm du lịch, cuộc sống của người dân khấm khá nhiều hơn. Cơ sở vật chất hạ tầng ở địa phương cũng được đầu tư, đổi mới mạnh mẽ", hộ kinh doanh cho hay.

 Cổng chào đón du khách đến điểm du lịch xã Hồng Vân. (Ảnh: NP)

Cổng chào đón du khách đến điểm du lịch xã Hồng Vân. (Ảnh: NP)

Theo anh Nguyễn Văn Kiên (khách du lịch), khi đến trải nghiệm tại điểm du lịch xã Hồng Vân, anh cảm thấy nơi đây có đường đi lối lại rộng đẹp, các nhà vườn đầu tư, chăm sóc các loại cây cảnh để checkin. Du khách được trải nghiệm nơi người dân làm nông nghiệp, có dịch vụ chợ đêm, thuê xe đạp... bên cạnh đó, nơi đây còn giáp ranh sông Hồng, tiện lợi để du khách thưởng lãm khung cảnh nên thơ.

"Thi thoảng, cuối tuần tôi đưa vợ con về nơi đây dịp cuối tuần để được trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp đồng quê, quên đi sự xô bồ, náo nhiệt ở chốn thị thành", anh Kiên cho hay.

Du khách Nguyễn Thị Duyên cho hay, khi đến điểm du lịch xã Hồng Vân, chị ấn tượng với những con đường hoa mang những màu sắc khác nhau, như: Hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban...

"Tôi cũng rất hứng thú khi được nghe các nghệ nhân chia sẻ và hướng dẫn các kĩ năng làm nghề hoa, cây cảnh", chị Duyên cho hay.

Địa phương đang đề xuất trở thành khu du lịch

Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội cho hay, về hạ tầng du lịch, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Ví dụ, địa phương là điểm du lịch đầu tiên của huyện Thường Tín có hai cơ sở về ẩm thực được Sở Văn hóa và Du lịch duyệt đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, địa phương còn có 1 cơ sở đủ điều kiện phục vụ khách mua sắm.

 Con đường mang tên "Hoa ban" với hàng cây hoa ban xanh ngát. (Ảnh: NP)

Con đường mang tên "Hoa ban" với hàng cây hoa ban xanh ngát. (Ảnh: NP)

"Địa phương đang đề xuất với Thành phố là nâng cấp độ điểm du lịch của địa phương thành khu du lịch", ông Phượng cho biết.

Về nhân sự quản lý các điểm du lịch, ông Phượng cho hay, địa phương đã thành lập 6 ban quản lý du lịch ở 6 thôn, cùng với ban của xã để quản lý du lịch cộng đồng. Qua đó, điều hành, hướng dẫn, tư vấn cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, địa phương đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và huyện Thường Tín tổ chức lớp tập huấn và cấp thẻ cho 25 người hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch của địa phương.

Về sản phẩm, hoạt động phục vụ du khách, đến nay, địa phương đã tổ chức 6 sự kiện.

 Tối 17/8 vừa qua, địa phương tổ chức sự kiện Chung khảo tiếng hát ru thứ nhất năm 2024. Người dân và du khách đến theo dõi sự kiện được miễn phí gửi xe. (Ảnh: NP)

Tối 17/8 vừa qua, địa phương tổ chức sự kiện Chung khảo tiếng hát ru thứ nhất năm 2024. Người dân và du khách đến theo dõi sự kiện được miễn phí gửi xe. (Ảnh: NP)

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân, so với năm ngoái, các chỉ số của năm nay tăng. Cụ thể, có hơn 200 lượt du khách nước ngoài về địa phương, tăng 70%; Du khách trong nước với khoảng 12.000 lượt, tăng 50% so với năm ngoái; Giá trị kinh tế của các hộ dân tham gia trong chuỗi du lịch ước tính khoảng 6-7 tỷ đồng.

Địa phương cũng hướng dẫn, khuyến khích người dân kinh doanh mô hình hộ kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.

Những thách thức

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Phượng cũng nhận định những khó khăn với địa phương, khi người dân còn "lúng túng" thực hiện Luật Đất đai mới.

Theo Luật Đất đai số 31/2024/QH15, đất nông nghiệp tại địa phương chỉ được sử dụng đa mục đích để trồng rau, sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, luật hướng dẫn, người dân có diện tích sản xuất đất nông nghiệp muốn phát triển kinh tế, họ sẽ phải hồ sơ dự kiến xây dựng các hạng mục như đón khách du lịch, nhà vệ sinh... Trong đó, diện tích để sản xuất nông nghiệp lớn hơn cơ sở hạ tầng kinh doanh.

"Luật Đất đai mới đã có những quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, nếu người dân làm sai hồ sơ thiết kế sẽ bị xử lý.

Để thực hiện luật, địa phương vận động, hướng dẫn người dân để sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Bên cạnh đó, hạ tầng kết hợp thêm dịch vụ, để vừa có chức năng nông nghiệp vừa sản xuất công nghiệp (sản xuất chế biến, bảo quản nông sản...). Nó vừa có chức năng làm dịch vụ, tham quan, trải nghiệm, kỹ thuật..", ông Phượng nói.

 Xã Hồng Vân có những con đường lớn thuận lợi cho các đoàn khách du lịch đến địa phương. (Ảnh: NP)

Xã Hồng Vân có những con đường lớn thuận lợi cho các đoàn khách du lịch đến địa phương. (Ảnh: NP)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân, điểm du lịch của địa phương còn thiếu nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Để phát triển du lịch của địa phương, cần thực hiện một số giải pháp.

"Luật Đất đai đã có hiệu lực, khó khăn với địa phương là công tác tuyên truyền, hướng dẫn từ các cấp để người có đất nông nghiệp yên tâm khi thực hiện chuyển đổi mô hình kết hợp du lịch. Đến nay, nhà đầu tư vẫn còn phân vân...

Tôi có kiến nghị các cấp là tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, cũng như cán bộ thi hành công vụ hiểu về việc sử dụng đất đa mục đích, không thể nhầm lẫn giữa việc người sử dụng đất để phát triển kinh tế với người sử dụng đất để làm nhà ở, kho xưởng", ông Phượng cho biết.

Nguyễn Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/diem-du-lich-xa-hong-van-lam-gi-de-thu-hut-du-khach-va-phat-trien-ben-vung-post244934.gd