Mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành nhằm hạn chế phương tiện và kéo giảm ùn tắc nội đô.
Thời gian đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, từ 5 giờ đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Tuy nhiên, nội dung này đang gây nhiều tranh luận và không được sự đồng tình 100% vì nhiều người cho rằng người dân đang gánh rất nhiều khoản phí.
Từ năm 2016, TP Hà Nội đã vận hành tuyến vận tải hành khách công cộng BRT với hy vọng giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp này có vẻ đã thất bại. Cùng với BRT, nhiều tuyến buýt thường cũng hoạt động dày đặc, nhưng ùn tắc vẫn gia tăng.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Báo cáo này đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước và Hà Nội nên được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ đi lại thuận tiện cho người dân.
Bộ GTVT là chủ đầu tư của dự án, những tưởng nó sẽ giúp Thủ đô giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, nhưng từ khi khởi công ngày 10/10/2011, đến nay, dự án 10 đã lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Theo nghị quyết liên quan đến chống ùn tắc giao thông được thông qua giữa năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy ở quận nội thành vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Thủ đô vẫn đang loay hoay và ùn tắc vẫn là "món ăn đặc sản" của Hà Nội.
Năm 2019, Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố chờ phê duyệt dự thảo về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy (xe ôm), xe môtô hai bánh để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Trong đó có nội dung người hành nghề chở khách hay hàng hóa bằng môtô, xe máy sẽ phải đăng ký với UBND phường, xã để được cấp thẻ và đeo nơi ngực áo từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, nội dung này vẫn nằm trên giấy.
Trong nội dung lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020. Hà Nội cho biết sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ôtô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông nhưng đến nay nội dung này cũng đang “chưa đâu vào đâu”.
Cuối tháng 12/2018, đồ án xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; xác định được 74 vị trí làm bãi đỗ xe ngầm chủ yếu trong khu vực nội đô. Chiếm 5% trong số gần 1 nghìn bãi đỗ xe công cộng và tập trung. Việc thiếu bãi đỗ xe khiến giao thông Hà Nội thêm rối rắm.
Tuy nhiên, năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc dừng nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Để kéo giảm ùn tắc, Sở GTVT cũng vừa đề xuất UBND TP Hà Nội 9 nhóm giải pháp gồm xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút...
Mặc dù thời gian qua, nhiều tuyến đường đã được xén mở rộng như: Trần Đăng Ninh, Văn Cao – Liễu Giai, Tôn Thất Thuyết...nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra do lưu lượng phương tiện đông và hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.
Video: Cây nào phù hợp với đô thị Hà Nội?
Hiểu Lam