Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/5

Tỷ giá trung tâm giảm 12 đồng, chỉ số VN-Index tăng 13,75 điểm hay chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 5/5.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ phiên 5/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.944 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên trước kỳ nghỉ lễ.

Giá mua USD được niêm yết ở mức 23.747 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 26.141 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.953 VND/USD, giảm mạnh 49 đồng so với phiên 29/04.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 26.430 VND/USD và 26.530 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 5/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,09 - 0,22 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên trước kỳ nghỉ lễ, cụ thể: qua đêm 4,22%; 1 tuần 4,39%; 2 tuần 4,46% và 1 tháng 4,54%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,30%; 1 tuần 4,37%; 2 tuần 4,42%, 1 tháng 4,48%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên với mức: 3 năm 2,17%; 5 năm 2,42%; 7 năm 2,77%; 10 năm 3,08%; 15 năm 3,22%.

Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, 10.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 35 ngày và 3.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 19.363,98 tỷ đồng trúng thầu ở 3 kỳ hạn; không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày. Có 2.003,82 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN bơm ròng 17.360,16 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua. Có 86.266 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.

Thị trường chứng khoán có một phiên giao dịch khởi sắc với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bất động sản, nguyên vật liệu, công nghiệp. Chốt phiên, VN-Index tăng mạnh 13,75 điểm (+1,12%) lên mức 1.240,05 điểm; HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,41%) đạt 212,81 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,04%) còn 92,38 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 14.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 85 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, chỉ đạt 45,6 điểm so với 50,5 điểm của kỳ trước, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng trước.

Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật: sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm đáng kể; tâm lý kinh doanh đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021; tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá cả đầu ra giảm.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá các mặt hàng xăng dầu từ ngày 5/5. Cụ thể, giá xăng E5RON92 không cao hơn 19.154 đồng/lít, giảm 84 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 19.586 đồng/lít, giảm 52 đồng/lít; dầu diesel 0,05S 17.359 đồng/lít, giảm 165 đồng/lít; dầu hỏa 17.564 đồng/lít, giảm 151 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3,5S 16.198 đồng/kg, giảm 326 đồng/kg.

Tin quốc tế

Lĩnh vực dịch vụ tháng 4 của Mỹ tiếp tục mở rộng. Theo kết quả khảo sát của Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM), lĩnh vực dịch vụ nước này đạt 51,6% trong tháng 4, cao hơn mức 50,8% của tháng trước đó, trái với dự báo giảm xuống 50,2% của thị trường. Mặc dù chỉ số tích cực hơn kỳ vọng, các chuyên gia nhận định ngành dịch vụ của Mỹ vẫn chịu căng thẳng trong tháng 4, bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về kinh tế và lạm phát, khi thuế quan bắt đầu có tác động thực sự đến giá cả.

Có thể thấy, tác động tiêu cực đến hoạt động dịch vụ và lạm phát từ thuế quan và cắt giảm chi tiêu của chính phủ là rất thực tế và đã bắt đầu hiện rõ. Dự kiến, các chỉ số dịch vụ ISM sẽ vẫn chịu áp lực giảm khi hoạt động kinh doanh chậm lại, tình trạng sa thải tăng lên và lạm phát ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ của Mỹ.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-55-163728-163728.html