Điểm mới trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh những điểm mới căn bản cốt lõi của dự thảo luật.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đọc Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại ngày đầu tiên (12/2) của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội XV.

3 điểm mới nổi bật mang tính nguyên tắc căn bản

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, dự án Luật đề xuất 3 chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Chính sách 1); Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ (Chính sách 2); Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương (Chính sách 3).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Đáng chú ý, đối với Chính sách 3, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà có 3 điểm mới nổi bật mang tính nguyên tắc căn bản, cốt lõi để thực các Luật khác trong hệ thống pháp luật làm căn cứ quy định về phân cấp và lần đầu tiên được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cụ thể:

Về phân quyền, dự thảo Luật đã xác định nguyên tắc phân quyền trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Về phân cấp, thực hiện theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức đơn vị, người được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, dự thảo Luật đã làm rõ về: Chủ thể phân cấp, nguyên tắc phân cấp; thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể thực hiện phân cấp.

Về ủy quyền, dự thảo Luật đã làm rõ chủ thể, cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền.

Hai loại ý kiến về cơ chế báo cáo Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 6. Để xử lý các nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung quy định về những nội dung cần được quy định bằng luật và nghị quyết của Quốc hội (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành), cơ bản đã bảo đảm được yêu cầu “phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp…”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến phân quyền, phân cấp, ủy quyền tại các điều 7, 8, 9 của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định tại các điều 7, 8 và 9 về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 32), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nội dung chuyển tiếp tại Điều 32 của dự thảo Luật để bảo đảm kịp thời giải quyết việc phân cấp, phân quyền đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Chính phủ xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra. “Tuy nhiên, đối với cơ chế báo cáo Quốc hội về nội dung này tại dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Về vấn đề này qua thảo luận còn có 2 loại ý kiến”- ông Tùng khẳng định.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngưng hiệu lực của quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được điều chỉnh bởi nghị định như quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh xung đột trong áp dụng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và thực thi pháp luật, tăng cường tính minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh, tránh các tranh chấp, khiếu kiện có thể xảy ra, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện thủ tục này không phức tạp vì những quy định cần ngưng hiệu lực đều đã được liệt kê trong nghị định, hơn nữa, cũng đơn giản, thuận lợi hơn so với việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, nghị quyết, để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 12/2. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 12/2. Ảnh: Quốc hội

Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ quy định báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất như quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), vì Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành nghị định để điều chỉnh một số quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết trong thời gian chưa kịp sửa đổi, bổ sung các văn bản này và tại nghị định đã xác định rõ các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh, nghị quyết được áp dụng theo quy định của nghị định để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, thống nhất thực hiện.

Việc yêu cầu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngưng hiệu lực của các quy định có liên quan trong luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ làm tăng khối lượng công việc của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội. Hơn nữa, thay vì phải thực hiện thêm thủ tục này thì nên quy định Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do còn 2 loại ý kiến trên, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều so với Luật hiện hành giảm 2 chương và 18 điều, bảo đảm tính kế thừa và khái quát cao theo yêu cầu đổi mới xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư và Quốc hội, bảo đảm ổn định và tuổi thọ lâu dài trong hệ thống pháp luật.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-moi-trong-du-thao-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-373467.html