'Điểm nghẽn' nào khiến năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp?

Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một trong những 'điểm nghẽn' để tăng năng suất lao động. Để cải thiện tình trạng này, ngoài nâng cao kỹ năng, tay nghề, kỷ luật của người lao động thì việc đầu tư công nghệ, máy móc, tự động hóa dây chuyền sản xuất cũng rất quan trọng.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Năm 2022, mỗi lao động Việt tạo ra 188 triệu đồng/người, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan và 79% của Indonesia; So với các nước có nền kinh tế quy mô lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, năng suất lao động của Việt Nam lần lượt là 15,4%; 24,7% và 59%.

Cần tháo gỡ "điểm nghẽn” để tăng năng suất lao động ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Cần tháo gỡ "điểm nghẽn” để tăng năng suất lao động ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân chính khiến năng suất lao động bình quân của Việt Nam thấp là chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế khiến năng suất lao động chưa thể bật tăng. Cùng với đó là thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Sinh viên, học viên ra trường còn thiếu các kỹ năng, chuyên môn cần thiết đáp ứng yêu cầu lao động thực tiễn.

Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu lao động lành nghề; doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; thực thi chính sách còn chậm, hay đầu tư dàn trải cũng là những “điểm nghẽn” khiến năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực...

Tháo gỡ điểm nghẽn để tăng năng suất lao động

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết, năng suất lao động là chỉ số kinh tế quan trọng, được đo bằng sản lượng chia cho lao động ở trong khu vực kinh tế được ghi nhận. Theo con số đó thì năng suất lao động của Việt Nam là khá thấp, điều này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân thứ 1 là đầu tư về khoa học công nghệ, đầu tư về thiết bị của Việt Nam còn thấp, ngay ở cả các doanh nghiệp FDI. Do đó năng suất lao động cũng như sản lượng lao động chủ yếu dựa vào sự cố gắng và lao động vật lý của người lao động, chứ không như nhiều nước phát triển khác, họ sử dụng máy móc thiết bị và công nghệ cao cấp nên có năng suất lao động cao hơn.

TS. Nguyễn Minh Phong

Thứ 2, trong thống kê chúng ta chưa ghi nhận được một cách chính xác và chưa đưa vào tính toán những lao động khu vực phi chính thức, trong khi đó khu vực này tạo ra sản lượng rất cao trong GDP. Chúng ta mới chỉ tính năng suất lao động trong khu vực lao động chính thức còn lao động phi chính thức thì chưa tính được, như vậy, tính tổng ra thì sai số còn khác biệt so với các nước khác. Thứ 3, nhiều khi các con số thống kê của chúng ta không chính xác trong hệ thống tài chính kế toán vi mô, vì các lý do liên quan tới vấn đề thuế má, nhiều doanh nghiệp thống kê không chính xác cho nên tạo ra sản lượng trên báo cáo thấp hơn trên thực tế. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động của Việt Nam.

“Để nâng cao trình độ lao động thì doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo chuyên môn cho người lao động. Người lao động không thể tự đi đào tạo một cách ngẫu nhiên hoặc tù mù mà phải dựa theo mục tiêu hướng nghiệp của doanh nghiệp. Đối với người lao động, cần tìm đến những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trình độ cao, họ sẽ tạo cơ hội cho người lao động được đào tạo. Trong quá trình làm việc, người lao động luôn phải nỗ lực học hỏi, vươn lên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng bùng nổ”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.

TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia nêu quan điểm, suốt nhiều năm qua, nguồn lao động chất lượng cao ở Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Ông Hòa nêu một dẫn chứng, tại Tập đoàn sân bay Long Thành, để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp đồng ý trả lương tới nửa tỷ đồng/tháng mà vẫn không tìm được nhân lực. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang thiếu trầm trọng.

Chính sách tiền lương cũng là một trong những động lực để tăng năng suất lao động

Chính sách tiền lương cũng là một trong những động lực để tăng năng suất lao động

Với nguồn nhân lực phổ thông lại đang dư thừa rất nhiều bởi hàng năm cả nước có tới hàng triệu sinh viên ra trường, đội ngũ này chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản ở nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân chính do môi trường giáo dục thực tiễn ở Việt Nam đang rất thiếu và yếu. Tại các trường đại học hầu như chỉ tập trung đào tạo về lý thuyết nhiều hơn là việc tạo cơ hội để các em được trải nghiệm thực tế, trong khi đây là yếu tố rất quan trọng.

Yếu tố thứ hai là doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này phần lớn chỉ tập trung vào tạo ra các yếu tố dịch vụ, không đòi hỏi nguồn chất xám cao, dẫn tới việc người lao động không có cơ hội được cọ xát khi các tập đoàn lớn từ nước ngoài vào, nhất là các doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao hay công nghệ cao.

Để khắc phục tình trạng năng suất lao động thấp, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực ở chính doanh nghiệp của mình, vì không thể tìm được nhân lực phù hợp theo yêu cầu ngay lập tức. Bởi lẽ nếu nhân lực chất lượng cao đáp ứng được mong muốn của mình thì họ cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài trong khi họ trả mức lương cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, tại các trường đại học, nơi cung cấp nhiều nguồn nhân lực, cần đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, theo nhu cầu của khách hàng, để từ đó khắc phục dần nhược điểm, cũng như đáp ứng yêu cầu về nhân lực và năng lực. Cùng với đó phải tăng cường quốc tế hóa, trau dồi về ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực làm việc chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.

TS. Đinh Việt Hòa

Ngoài những hạn yếu tố trên, TS. Đinh Việt Hòa cho rằng, việc tăng năng suất lao động qua các chính sách tiền lương cũng rất quan trọng. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp đã thực hiện việc này từ rất lâu rồi, họ thuê người, họ trả lương theo mục tiêu, trả lương theo kết quả lao động, vị trí công việc…

Ông Hòa kể lại một câu chuyện, cách đây 117 năm (trước năm 1905), Henrry Ford - người sáng lập Tập đoàn Ford Motor (Mỹ) đã trả lương cho công nhân cao gấp 2 lần mức lương thông thường, vừa trả lương cao vừa giảm giờ làm. Người đứng đầu Tập đoàn nhận ra rằng, chính sách tiền lương của ông đã làm tăng hiệu quả công việc cho tập đoàn Ford lên rất nhiều lần. Henry Ford không chỉ đổi mới ngành công nghiệp ô tô, mà còn là người có tác động đến ngành kinh tế thế kỷ 20 khi kết hợp được sản xuất hàng loạt với lương cao nhưng vẫn có những sản phẩm tốt với giá thành thấp.

Qua đó có thể nhận thấy, yếu tố tiền lương đã tác động mạnh mẽ đến việc tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để tăng năng suất lao động thì yếu tố quản trị năng lực, quản trị doanh nghiệp phải nâng cao hơn rất nhiều. Bởi lẽ nhân lực giỏi phải gắn cả với năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp. Đôi khi năng lực nhân công rất giỏi nhưng năng lực của người quản trị doanh nghiệp chưa tốt dẫn đến việc, người đứng đầu doanh nghiệp không nhận ra được năng lực của nhân viên và những người lao động ấy không phục người lãnh đạo của mình. Điều này sẽ làm mất đi giá trị, “bỏ quên” nhân sự giỏi trong doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn nhân lực.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, bản thân người lao động sẽ có năng suất lao động cao hơn nếu như họ được trả mức lương tốt, được tôn vinh, được đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra. Khi công sức của người lao động được trân trọng, được ghi nhận thì họ sẽ cống hiến nhiều hơn, làm việc sáng tạo hơn, đóng góp tốt hơn vào sự thành công của doanh nghiệp, của đơn vị.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/diem-nghen-nao-khien-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-van-thap-post1102781.vov