'Điểm nghẽn' ở nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Sau khi mở cửa, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bước đầu giúp giảm áp lực cho nhà ga quốc nội T1 nhưng vẫn tồn tại một điểm nghẽn.

 Nhà ga T3 đã đón khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội và Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: ACV

Nhà ga T3 đã đón khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội và Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: ACV

Ngày 19/4 , nhà ga T3 - nhà ga hiện đại bậc nhất cả nước - đã đi vào hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, đánh dấu bước chuyển mình lớn của ngành hàng không tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng, hiện nhà ga T3 vẫn chưa thể đón tất cả chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet như kế hoạch ban đầu, đồng thời nhà ga này vẫn tồn tại một số "điểm nghẽn" liên quan đến giao thông và hạ tầng kết.

"Chắp cánh" cho ngành hàng không

"Năng lực phục vụ khách quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng gấp 3 lần khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, không những về số lượng mà cả về chất lượng", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm sáng lập bộ môn kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa nói với Tri Thức - Znews.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng 20% trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Dù đón lượng khách kỷ lục, sân bay này không còn tình trạng quá tải, ùn tắc mà ngược lại, rất thông thoáng.

Chị Hoàng Hà (TP Thủ Đức) chia sẻ: "Chưa năm nào tôi từ TP.HCM về Hà Nội nghỉ lễ mà đi lại thoải mái như năm nay. Tôi chỉ hơi lo lắng khi lần đầu di chuyển đến nhà ga T3 còn lại, mọi thủ tục đều được làm nhanh gọn, không cần chờ đợi lâu".

Ông Nguyễn Thiện Tống nhận định Tân Sơn Nhất là sân bay đông khách nhất của cả nước, tiếp nhận khách đến và đưa khách đi các sân bay khác trong và ngoài nước. Do đó, xu hướng gia tăng sản lượng khai thác của cửa ngõ hàng không khu vực phía Nam có tác dụng gia tăng sản lượng tương ứng của các sân bay khác, đặc biệt là các sân bay trong nước. Nhờ vậy, ngành hàng không Việt Nam sẽ được "chắp thêm cánh".

Tại buổi lễ khánh thành nhà ga T3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thắng lợi của nhà ga T3 sẽ tác động tích cực đến sân bay Long Thành.

Thủ tướng tin tưởng việc 2 dự án hạ tầng hàng không nói trên sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không khu vực, tạo động lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất giúp giảm tải đáng kể áp lực lên nhà ga T1. Ảnh: H.A.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất giúp giảm tải đáng kể áp lực lên nhà ga T1. Ảnh: H.A.

Nhà ga T3 cũng là nơi tiên phong thử nghiệm, áp dụng công nghệ mới để tiến tới việc nhân rộng trên cả nước.

Việc ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay tại nhà ga T3 giúp hành khách thực hiện toàn bộ thủ tục lên tàu bay không giấy tờ, số hóa giấy tờ của hành khách và thực hiện các thao tác từ đặt vé, check-in trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an ninh hàng không.

Thủ tướng khẳng định công nghệ hiện đại, hành khách bay không cần giấy tờ là minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể. Giải pháp này giảm chi phí, giảm thời gian và chống lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ Công An tiếp tục nỗ lực tiến hành triển khai, áp dụng công nghệ nói trên tại tất cả sân bay trên toàn quốc. Sau đó, sẽ tiến tới việc làm thủ tục không giấy tờ ở các ga đường sắt, ga tàu thủy...

Vẫn còn "điểm nghẽn"

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được đặt kế hoạch khi hoàn thành sẽ là điểm chung chuyển mới của toàn bộ chuyến bay nội địa do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác, tuy nhiên đến nay, cả 2 hãng bay vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch này. Nguyên nhân do hạ tầng tại nhà ga T3 vẫn cần hoàn thiện thêm ở một số khâu.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện tại, hãng đã sẵn sàng đưa toàn bộ chuyến bay nội địa về nhà ga T3 mới đồng thời tiết lộ đang chờ phía ACV họp, dự kiến vào ngày 12/5, để chốt việc chuyển đổi.

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa nhận được thông tin từ các đơn vị liên quan về việc chuyển nhà ga. “Chi tiết việc chuyển đổi nhà ga là do ACV thống nhất với các hãng. Cục có trách nhiệm giám sát thực hiện kế hoạch và tạo điều kiện cho các bên để đảm bảo chất lượng dịch vụ”, ông nói.

Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết các kế hoạch đều là dự kiến và có thể thay đổi tùy theo tình hình hoạt động.

Ngoài ra, việc kết nối giữa nhà ga mới và hiện hữu cũng chưa được hoàn thành. Theo đó, 3 nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm T1 (quốc nội), T2 (quốc tế) và T3 (quốc nội mới) nằm trong cùng một khuôn viên sân bay nhưng hành khách không thể di chuyển nội bộ trực tiếp giữa nhà ga T1, T2 với T3 mà phải đi vòng ra các tuyến đường bên ngoài như Trường Sơn, Cộng Hòa, vốn thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.

"Đây rõ ràng là một giải pháp chưa tốt, nhất là trong điều kiện giao thông vốn đã quá tải quanh sân bay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hành khách cá nhân, tình trạng này còn gây bất tiện cho những người cần nối chuyến giữa quốc tế và nội địa", ông Tống nhận định.

Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã đưa ra giải pháp triển khai xe buýt miễn phí chạy trong sân đậu máy bay từ nhà ga T3 sang T1 và T2. Điều này giúp rút ngắn đáng kể quãng đường và thời gian của khách hàng cần nối chuyến, tuy nhiên vẫn chưa thể mang lại sự tiện lợi so với việc kết nối trực tiếp 3 nhà ga với nhau.

 Giao thông kết nối với nhà ga T3 chưa thông suốt, vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ tại các nút giao lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giao thông kết nối với nhà ga T3 chưa thông suốt, vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ tại các nút giao lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không chỉ gặp khó trong kết nối hạ tầng nội bộ, nhiều khách bay cũng phản ánh những bất tiện khi tiếp cận nhà ga T3 từ bên ngoài. Tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dù đã được thông xe để trở thành trục chính dẫn vào nhà ga mới T3, với 3 làn xe mỗi chiều và 3 điểm kết nối trực tiếp vào nhà ga, nhưng trên thực tế vào các khung giờ cao điểm, tuyến đường này vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt là tại các nút giao lớn.

Về việc nhà ga T3 chưa hoàn thiện 100% hạ tầng, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết công trình được gấp rút đưa vào hoạt động nên không tránh khỏi các sự cố.

Ông Tống phân tích thực tế, toàn bộ dự án phát triển sân bay Tân Sơn Nhất đều chỉ hướng về phía Nam, dẫn đến hệ quả các dự án giao thông kết nối đô thị cũng chỉ tập trung ở phía Nam.

Do đó, vị chuyên gia đề xuất trong tương lai, cơ quan quản lý có thể quy hoạch lại theo nhiều phía với vùng đô thị xung quanh để tạo nên một vùng đô thị sân bay bền vững. Trong đó, mở cửa sân bay ở mặt Bắc để kết nối với quốc lộ 1A tạo thuận lợi cho hành khách từ miền Tây và Nam miền Trung vào ra sân bay nhanh chóng, dễ dàng, tránh kẹt xe.

Liên quan tới việc vận hành nhà ga T3, trong cơn mưa lớn chiều tối 7/5, khu vực khách ngồi chờ ra cửa khởi hành ở nhà ga T3 bất ngờ xuất hiện tình trạng nước chảy từ trên mái kính xuống sàn.

Đại diện Ban quản lý dự án xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lý giải nguyên nhân do co ngót nhiệt, đây là hiện tượng vật liệu thay đổi kích thước khi nóng lên.

"Thời gian qua, thời tiết nắng nóng làm hở keo phần mái lấy sáng nên khi gặp mưa lớn đã dẫn đến dột. Chúng tôi đã kiểm tra và đang cho khắc phục”, vị đại diện chia sẻ, đồng thời cho biết đây là sự việc đáng tiếc, hiện các đơn vị đã lên phương án để khắc phục sai sót trên.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, công suất khai thác hơn 20 triệu lượt khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm, được khánh thành ngày 19/4, vượt tiến độ 2 tháng.

Nhà ga T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Nhà ga bao gồm 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy thả hành lý tự động, 42 kiosk check-in, 27 cửa ra máy bay, 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách...

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-nghen-o-nha-ga-t3-tan-son-nhat-post1551613.html