Điểm nổi bật trong cuộc sống ở viện dưỡng lão

Điểm nổi bật nhất trong cuộc sống ở một viện dưỡng lão là sự thiếu vắng trầm trọng bổn phận hay trách nhiệm.

Thứ sáu, ngày 2 tháng giêng

Năm ngoái, tôi đã trải qua những ngày cực kỳ trống trải. Tôi dành trọn cả năm 2013 để ghi nhật ký một cách trung thực. Mỗi ngày dành ra một tiếng (hay một tiếng rưỡi) để viết đã đem lại cho tôi cảm giác hữu ích và có ý nghĩa.

Điểm nổi bật nhất trong cuộc sống ở một viện dưỡng lão là sự thiếu vắng trầm trọng bổn phận hay trách nhiệm. Người ta được chăm sóc mọi thứ. Không cần phải nghĩ ngợi gì. Cuộc sống trôi đi dễ dàng như món sữa trứng không bị vón cục. Mở ra; nuốt; trôi hết ráo rạo!

Nhiều cư dân khá hài lòng với kỳ nghỉ trọn gói vĩnh viễn này, nhưng riêng tôi, cùng một số bạn bè của tôi, sự nhàn rỗi trong viện dưỡng lão chẳng đem lại lợi ích gì cho chúng tôi cả.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Cuốn nhật ký này sẽ một lần nữa mang lại cho tôi ý thức về mục đích. Nó buộc tôi phải luôn tỉnh táo, vùi đầu vào viết lách và chú ý lắng nghe, đồng thời buộc tôi phải theo dõi những diễn biến trong viện dưỡng lão của mình, cũng như những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới.

Hằng ngày, tôi sẽ rèn luyện các tế bào não để giữ cho tư duy của mình lúc nào cũng tươi mới và có trật tự. Thể dục trí não để đầu óc luôn nhạy bén. Năm vừa rồi, tôi tự thấy mình đã suy nghĩ quá nhiều, thật xấu hổ khi tôi không còn viết ra giấy nữa, chẳng hạn như vụ việc một lão già khác bày trò lố lăng, nhân viên thì phá hỏng cái gì đó, hoặc giám đốc lên mặt hoạnh họe đủ đường với cấp dưới của bà ta. Tôi cảm thấy lại muốn vào cuộc một lần nữa.

Thứ bảy, ngày 3 tháng giêng

Giám đốc một viện dưỡng lão đã nêu ví dụ chân thực điển hình trên các báo như thế này: ‘Các tiêu chuẩn mà chúng tôi, với tư cách là một đoàn thể, đặt ra cho việc chăm sóc chuyên nghiệp đối với người cao tuổi là không thể đáp ứng được trong hoàn cảnh hiện nay.’

Nói cách khác: không thể tránh khỏi chuyện - nếu thỉnh thoảng tã lót không được thay kịp thời, hoặc một bộ răng biến mất, hay một bệnh nhân tạm thời phải bị trói trên giường. Chao ôi, thật đáng buồn.

Nếu tất cả các nhà hoạt động xã hội, tất cả những chuyên gia điều hướng dư luận của báo chí và tất thảy ba mươi hai cơ quan thanh tra viện dưỡng lão muốn điều này thay đổi, họ sẽ phải thuyết phục được toàn bộ cử tri đồng ý tăng tỷ lệ bảo hiểm lên cao ngất. Chúc họ may mắn!

Tôi dự định sẽ đích thân ấn bài báo đó vào tận tay giám đốc của chúng tôi.

Vâng, bất ngờ quá, phải không? Hendrik Nhu Mì không còn nữa. Ông ấy chưa xứng đáng được gọi là Hendrik Quả Cảm, nhưng cách đây một năm, trong đám tang người bạn thân thiết Eefje của mình, tôi đã quyết tâm dứt bỏ vĩnh viễn tính e ngại của bản thân. Càng ngày tôi càng thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình và thường cảm thấy rất tuyệt khi làm như vậy.

Tôi vẫn cần phải hết sức cố gắng, tim vẫn còn đập mạnh vì hồi hộp, nhưng sau một chút do dự, tôi sẽ chụm hai chân lại và nhảy xuống khỏi ván nhún, ngóc đầu lên khỏi mặt nước thổi phì phì nhưng đắc thắng.

Sự ủng hộ mà tôi nhận được từ các thành viên khác của Câu lạc bộ Già-Nhưng-Không-Cỗi là vô-giá. Đặc biệt là từ Evert, ông ấy không chỉ là bạn tốt nhất của tôi mà còn là người không gặp khó khăn gì khi nói ra suy nghĩ của mình, và lúc nào cũng hỗ trợ tôi.

Hendrik Groen/NXb Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-noi-bat-trong-cuoc-song-o-vien-duong-lao-post1481075.html