Điểm sáng của cổ phiếu ngân hàng trước căng thẳng thuế quan

Thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái điều chỉnh sâu, sau thông tin Mỹ áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là điểm sáng dài hạn.

Chỉ trong hai phiên giao dịch gần nhất, VN-Index đã mất hơn 110 điểm, tương đương mức giảm gần 8,5%, đánh dấu một trong những đợt điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử. Lực bán diễn ra ồ ạt ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là các mã liên quan đến xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ,... Tâm lý bi quan lan rộng khi nhà đầu tư lo ngại việc Mỹ áp thuế cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý tới.

Trong bối cảnh đó, dù cũng ghi nhận mức điều chỉnh nhất định, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là "nền móng" ổn định cho thị trường. Đáng chú ý trong phiên gần nhất, một vài cổ phiếu ngân hàng đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại như SHB hay LPB.

Ông Phạm Đắc Thành - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết: “Với mục tiêu tăng trưởng 16%, ngành ngân hàng đánh giá là một ngành hấp dẫn, tuy nhiên chúng ta cần xem xét yếu tố liên quan đến chất lượng tài sản, chất lượng khoản vay cũng như nợ xấu, lãi dự thu của doanh nghiệp để chúng ta đánh giá được ngân hàng thật sự chất lượng và mang lại tiềm năng sinh lời lớn”.

Một yếu tố khác đang khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đó là kế hoạch chia cổ tức của hàng loạt ngân hàng lớn. Những cái tên như LPBank, SHB, ACB, MB, hay Techcombank đã công bố phương án chia cổ tức với tỷ lệ cao, có ngân hàng lên tới 25%, mang lại dòng tiền ổn định cho cổ đông trong thời kỳ thị trường biến động.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết: “Động lực tăng trưởng chính của nhóm ngân hàng là tốt. Thứ nhất, tỉ lệ P/B loanh quanh mức một lần. Thứ hai, mức NIM của các ngân hàng trong nửa 6 tháng cuối năm có sự cải thiện hơn. Thứ ba, tỉ lệ casa của ngân hàng đã quay trở lại, góp phần cải thiện chất lượng NIM của các ngân hàng trong thời gian tới. Thứ tư, sự cải thiện về biên lợi nhuận của các ngân hàng. Cuối cùng là tăng bộ định vốn của các ngân hàng trong năm nay”.

Cũng theo dự báo của các chuyên gia, nếu dòng vốn FDI vẫn đổ về Việt Nam hoặc Mỹ - Việt đạt được thỏa thuận giảm thuế sau đó, các ngân hàng mạnh về tài trợ thương mại như Vietcombank, BIDV sẽ được hưởng lợi về trung hạn. Còn trong trường hợp căng thẳng thương mại vẫn tiếp đà leo thang, các ngân hàng đầu tư mạnh về chuyển đổi số và bán lẻ nội địa như Techcombank, TPBank sẽ ít bị ảnh hưởng và có thể trở thành điểm đến an toàn của dòng tiền.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/diem-sang-cua-co-phieu-ngan-hang-truoc-cang-thang-thue-quan-320414.htm