Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư để triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện... thời gian qua, xã Đông Lĩnh là một trong những điểm sáng của huyện Thanh Ba trong thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Từ 9,6% hộ nghèo, 4,8% hộ cận nghèo (năm 2023); đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,99%, cận nghèo giảm còn 2,87%; xã đã có hai khu dân cư 'trắng' hộ nghèo...
Vốn là xã thụ hưởng Chương trình 135, Đông Lĩnh có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp hơn mặt bằng chung của huyện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Những năm qua, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Đông Lĩnh đã tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; vận dụng linh hoạt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của huyện, tỉnh, trung ương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo đến các tầng lớp Nhân dân và người nghèo nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
Một trong những giải pháp thiết thực mà xã đã triển khai hiệu quả trên địa bàn là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn. Năm 2024, xã đã xây dựng và hoàn thành 2 tuyến đường liên khu (tại khu 4 và khu 2, tổng chiều dài 324 mét, kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng); khởi công xây dựng 2 tuyến đường liên xã (Đông Lĩnh đi Đại An và Đông Lĩnh đi Đồng Xuân, tổng chiều dài 4,8km, kinh phí thực hiện gần 27 tỷ đồng). Đây là những tuyến đường quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, tăng tính kết nối cung - cầu với các thị trường khác, tạo cơ hội để địa phương khai thác tốt các tiềm năng trong phát triển kinh tế.
Cùng với chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, để làm tốt công tác giảm nghèo, hằng năm, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đến người dân; thực hiện đa dạng các dự án trao sinh kế hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2022 - 2024, địa phương đã thực hiện hiệu quả Dự án II (hỗ trợ sinh kế) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp các hộ nghèo trên địa bàn được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tạo điều kiện 120 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng CSXH với tổng nguồn vốn nhận ủy thác đạt 4,8 tỷ đồng. Chị Nghiêm Thị Tuyết Thơm (khu 1, xã Đông Lĩnh) từ hộ không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, qua tuyên truyền, vận động, nắm bắt chính sách vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Cuối năm 2023, gia đình chị đã làm đơn xin thoát nghèo.
Chị Thơm chia sẻ: Khi biết khó khăn của gia đình tôi là không có đất sản xuất, Đoàn thanh niên xã đã tư vấn, khuyến khích tôi tìm hiểu về các chính sách vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2021, tôi đã làm thủ tục vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để thuê đất, phát triển mô hình trồng keo, nuôi lợn sinh sản. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được cán bộ xã động viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhân giống đàn lợn, phòng bệnh đảm bảo vệ sinh,... mô hình kinh tế của gia đình tôi dần phát triển và cho thu nhập ổn định từ 8 - 9 triệu đồng/ tháng.
Cũng như gia đình chị Nghiêm Thị Tuyết Thơm, hiện 72,5% lao động trên địa bàn xã đã được đào tạo và truyền nghề. Để duy trì và triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hằng năm, UBND xã đều phối hợp với các đơn vị, tổ chức tuyển sinh từ 1 - 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu, số lượng 35 học viên/lớp; liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin kịp thời các chương trình tuyển chọn, cung ứng lao động; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng liên kết gắn liền với tiêu thụ sản phẩm... Đa số học viên sau khi đào tạo nghề đều được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, có việc làm và thu nhập ổn định.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh cho biết: Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại Đông Lĩnh đạt 42 triệu đồng/năm. Qua rà soát, địa phương xác định các hộ nghèo, cận nghèo còn lại trên địa bàn chủ yếu là do tuổi già, người bị bệnh tật, thiếu việc làm... Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, xã Đông Lĩnh sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất. Xã phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3,8%, hộ cận nghèo còn 1%.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/diem-sang-trong-cong-tac-giam-ngheo-224508.htm