Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Thủ tướng yêu cầu sớm đánh thuế nhà, đất bỏ hoang
Hàng nghìn người mua nhà 20 năm chưa có sổ hồng vì vướng quy hoạch cũ; Phú Yên sắp có thêm khu công nghiệp gần 500 ha, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Đề xuất rút thời gian thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ 300 xuống còn 75 ngày; Dự án nhà ở xã hội Bồng Sơn có nguy cơ bị thu hồi do chậm tiến độ…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý
Thủ tướng yêu cầu sớm đánh thuế nhà, đất bỏ hoang
Tại cuộc làm việc chiều 24/5 với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với bất động sản không sử dụng, chênh lệch giá đất với giá bán, đồng thời xây dựng cơ chế xử lý các giao dịch thiếu minh bạch.

Thủ tướng yêu cầu sớm đánh thuế nhà, đất bỏ hoang/Ảnh minh họa
Theo Bộ Xây dựng, quý I/2025 ghi nhận những tín hiệu tích cực khi giao dịch bất động sản tăng trở lại, trong đó có hơn 33.000 căn hộ, nhà ở giao dịch thành công (tăng 32%) và hơn 101.000 lô đất nền được chuyển nhượng (tăng 16%). Tuy nhiên, cả nước vẫn còn khoảng 788 dự án đang gặp khó khăn liên quan đến đất đai, quy hoạch, vốn và thủ tục pháp lý.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, tăng nguồn cung và giảm chi phí đầu vào để giảm giá bất động sản, qua đó giúp người dân dễ tiếp cận hơn với nhà ở. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tạo giá ảo, thao túng thị trường, gây nhiễu loạn qua đấu giá đất.
Bộ Xây dựng được giao tích hợp các thủ tục đầu tư vào một nghị định thống nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở kết nối với dữ liệu dân cư. Bộ Công an sẽ vào cuộc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường bất động sản. Các địa phương cũng được chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện bảng giá đất, quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và siết chặt hoạt động đấu giá đất để ngăn ngừa trục lợi.
Hàng nghìn người mua nhà 20 năm chưa có sổ hồng vì vướng quy hoạch cũ
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cho người dân mua nhà tại các dự án từng được quy hoạch để phục vụ tái định cư nhưng sau đó không được thành phố mua lại.
Theo HoREA, hiện TP.HCM có khoảng 17 dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc do quy định từ năm 2003 buộc chủ đầu tư phải dành 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà để tái định cư. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chính quyền không có nhu cầu mua lại quỹ nhà này, buộc doanh nghiệp phải bán ra thị trường. Dù người dân đã mua và hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Một số dự án điển hình như: Riva Park (quận 4), khu nhà ở Ehome3 (quận Bình Tân), chung cư Phương Việt (quận 8), khu dân cư Dương Hồng (Bình Chánh)... đều có nhiều căn hộ chưa được cấp sổ hồng dù đủ điều kiện pháp lý.
Vướng mắc chính nằm ở thủ tục hành chính chưa thống nhất trong việc xác định nghĩa vụ tái định cư. Dù đã có công văn từ năm 2005 cho phép bán phần nhà đất nếu Nhà nước không mua, nhưng do chưa có hướng dẫn rõ ràng, các sở ngành chưa mạnh dạn cấp sổ.
HoREA cho rằng với các dự án có nguồn gốc đất rõ ràng, đầy đủ pháp lý, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được xác nhận không còn nghĩa vụ tái định cư, UBND TP.HCM có thể chỉ đạo cấp sổ hồng ngay thay vì chờ đợi đề án tổng thể, nhằm bảo vệ quyền lợi người dân và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Phú Yên sắp có thêm khu công nghiệp gần 500 ha, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm – giai đoạn 1, đánh dấu bước tiến mới trong thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng công nghiệp của địa phương.

Ảnh minh họa
Dự án có quy mô gần 492 ha, tọa lạc tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 4.188 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 628 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ các nguồn khác.
Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cho thuê lại đất, đồng thời phát triển hệ thống nhà xưởng, văn phòng phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp. Dự án sẽ được triển khai thi công và đưa vào vận hành trong vòng 48 tháng kể từ khi được giao đất chính thức. Thời hạn hoạt động kéo dài 70 năm.
Khu công nghiệp Hòa Tâm là một phần của quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt vào tháng 7/2024, với tổng diện tích toàn khu là 1.080 ha. Quy hoạch bao gồm ba phân khu đầu tư: khu A gần 492 ha, khu B khoảng 424 ha và khu C khoảng 164 ha.
Việc triển khai dự án không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng công nghiệp của tỉnh Phú Yên mà còn tạo đà thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Nam Phú Yên trong thời gian tới.
Đề xuất rút thời gian thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ 300 xuống còn 75 ngày
Tại phiên họp ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt “điểm nghẽn” đang cản trở mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó nổi bật là thủ tục đầu tư quá phức tạp và kéo dài.
Theo Bộ trưởng, hiện trung bình mỗi dự án nhà ở xã hội mất tới 300 ngày để hoàn tất một thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Nếu áp dụng các cải cách được đề xuất, thời gian này có thể rút xuống chỉ còn 75 ngày. Việc tinh giản thêm các bước như thẩm định quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, phê duyệt tổng dự toán... cũng sẽ giúp tiết kiệm hàng trăm ngày công, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bộ trưởng cũng nêu thực trạng đáng lo ngại: đến nay mới có khoảng 623.000 căn nhà ở xã hội được xây dựng trên toàn quốc, trong đó chỉ 73.000 căn đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, kế hoạch là 100.000 căn nhưng mới hoàn thành 15.600 căn, đạt chưa đến 50% tiến độ.
Ngoài thủ tục, vấn đề quỹ đất và vốn tín dụng cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh. Mặc dù Chính phủ đã dành hạn mức tín dụng 145.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, nhưng đến tháng 4/2025 mới giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng, chưa đạt 3%. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện vay vốn chưa phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án nhà ở xã hội.
Về giá bán, Bộ trưởng khẳng định không thể áp dụng một mức giá chung trên toàn quốc mà cần căn cứ theo điều kiện cụ thể tại từng địa phương, với chênh lệch giá không vượt quá 10% so với dự toán được duyệt.
Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện chính sách theo hướng cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định và ban hành hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống.
Dự án nhà ở xã hội Bồng Sơn có nguy cơ bị thu hồi do chậm tiến độ
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kết luận cuộc họp rà soát tình hình thực hiện dự án Nhà ở xã hội tại phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đánh giá tiến độ dự án quá chậm, không đáp ứng yêu cầu đã đề ra. Chủ đầu tư bị cho là thiếu chủ động trong triển khai, trong khi công tác phối hợp xử lý các vướng mắc cũng chưa hiệu quả.

Ảnh minh họa
Dự án Nhà ở xã hội Bồng Sơn có quy mô hơn 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 216 tỷ đồng, dự kiến xây dựng 178 căn nhà ở liền kề thấp tầng. Dù đã tổ chức lễ động thổ từ tháng 2/2025 và được yêu cầu hoàn thành trong năm nay, nhưng đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất; các thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng, hồ sơ môi trường và phòng cháy chữa cháy vẫn còn vướng mắc. Trên thực địa, dự án gần như “dậm chân tại chỗ”.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, đánh giá khả năng điều chỉnh tiến độ và lập kế hoạch triển khai chi tiết, xác định rõ trách nhiệm của từng bên. Trong trường hợp không đáp ứng điều kiện tiếp tục thực hiện, tỉnh sẽ xem xét dừng và thu hồi dự án ngay trong tháng 5/2025.
UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo tiến độ đối với tất cả các dự án nhà ở xã hội, trong đó có dự án Bồng Sơn. Nếu được gia hạn, chủ đầu tư phải tập trung mọi nguồn lực, hoàn tất các thủ tục pháp lý và đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đảm bảo hoàn thành theo đúng cam kết.