Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi

Các đảo trên huyện đảo Trường Sa của Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm tựa vừa giúp ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy sản, vừa góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Trong số đó, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây đã trở thành địa chỉ tin cậy, là hậu phương vững chắc đối với ngư dân.

Ý nghĩa chiến lược của trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá

Tại âu tàu cảng cá ở đảo Đá Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu cá từ tỉnh Bình Định có biển kiểm soát BD 94726-TS đang lấy nước đá để bảo quản thủy sản khai thác, đánh bắt được ở vùng biển Trường Sa. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Lê Minh Cương, Thuyền trưởng tàu cá nghề lưới vây hồ hởi bảo: "Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây chính là điểm tựa cho ngư dân chúng tôi. Nếu không có đá, nước ngọt, dầu cung cấp ngay tại đảo Đá Tây này thì tàu cá của chúng tôi có thể thua lỗ 400-500 triệu đồng mỗi chuyến biển đấy".

Anh bảo nghề khai thác, đánh bắt thủy sản hệt như người ta đi câu vậy, có những lúc đánh bắt thuận lợi, tàu đầy thủy sản rồi về bờ thì chẳng sao. Nhưng cũng có lúc thì đánh bắt hoài cũng chẳng được lượng thủy sản đáng kể, trong khi nhiên liệu, nước ngọt, nước đá trên tàu đã bị tiêu hao, nếu phải di chuyển tàu về bờ để tiếp nhiên liệu, nước ngọt... thì rất mất thời gian và tốn kém. Chỉ tính riêng lượng nước đá dùng để bảo quản thủy sản, tàu chúng tôi cần khoảng 1.500-1.600 cây nước đá/chuyến. Trong trường hợp như vậy, tàu về bờ lấy nhiên liệu, nước đá rồi mới quay ra đánh bắt tiếp thì cầm chắc lỗ nặng.

 Một góc âu tàu cảng cá tại đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Một góc âu tàu cảng cá tại đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

"Từ khi có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây, tàu chúng tôi chỉ tập trung lo khai thác, đánh bắt thủy sản thôi. Thủy sản đánh bắt được, chúng tôi bố trí tàu vận chuyển về đất liền. Tàu khai thác, đánh bắt cứ hết dầu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm, chúng tôi lại ghé vào đảo". Nói rồi anh Cương nhoẻn miệng cười thật tươi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ lâu đảo Đá Tây là nơi cung cấp miễn phí nước ngọt cho tàu cá, giá dầu thì được Nhà nước hỗ trợ như giá mua ở đất liền, giá nước đá cũng chỉ tương đương với giá trong bờ. Không chỉ cung cấp nước ngọt, dầu, nước đá, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây còn cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu ngay tại đảo. Ngoài ra, tại đảo Đá Tây còn bán các sản phẩm thiết yếu phục vụ ngư dân trên tàu với giá cả hợp lý, từ gạo, dầu ăn, mì ăn liền, thực phẩm đóng hộp... Đồng thời, âu tàu tại đảo Đá Tây còn là nơi trú tránh an toàn cho tàu cá mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Luôn đồng hành hỗ trợ bà con ngư dân

Nhà máy sản xuất nước đá thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công suất 1.000 cây nước đá/ngày. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông cho hay: "Nhà máy sản xuất hằng ngày, nếu có tàu cá vào lấy nước đá thì chúng tôi đưa vào máng trượt chuyển ngay xuống tàu, còn nếu dư, nước đá sẽ được đưa vào kho bảo quản. Ngoài ra, các tàu cá cũng có thể liên lạc trước với chúng tôi để đặt lượng nước đá cần lấy. Từ nhiều năm qua, công ty luôn nỗ lực, phấn đấu đồng hành hỗ trợ bà con ngư dân trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, đặc biệt là vùng biển thuộc huyện đảo Trường Sa. Qua đó, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam".

 Gian hàng bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngư dân ở đảo Đá Tây.

Gian hàng bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngư dân ở đảo Đá Tây.

Vận chuyển nước đá trên máng trượt từ nhà máy xuống tàu.

Vận chuyển nước đá trên máng trượt từ nhà máy xuống tàu.

Chúng tôi tới thăm khu gian hàng bày bán các sản phẩm thiết yếu, trong đó có lương thực, thực phẩm phục vụ ngư dân tại đảo. Anh Nguyễn Văn Tân, thủ kho kiêm nhân viên bán hàng vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, vừa tranh thủ sắp xếp lại từng bao gạo, thùng mì ăn liền, từng gói bột ngọt... Được tận mắt ngắm nhìn những mặt hàng thiết yếu ấy giữa muôn trùng khơi xa mới thấy ý nghĩa, công sức của những người vận chuyển nó ra đảo.

Tôi nhớ mãi về ước mong của Thuyền trưởng Trần Lê Minh Cương trước lúc chia tay trên đảo. Anh mong trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây có thể thu mua thủy sản cho ngư dân, đồng thời cung cấp thêm những mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt mát, thịt đông lạnh các loại... Như vậy, sẽ giúp ngư dân bám biển, khai thác, đánh bắt thủy sản dài ngày hơn. Mong ước ấy của Thuyền trưởng Trần Lê Minh Cương hy vọng một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực, để ngư dân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sinh sống, học tập, công tác trên các đảo ở Trường Sa cũng như đang ở trên đất liền. Đảo và đất liền sẽ ngày càng gần hơn!

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/diem-tua-cua-ngu-dan-giua-trung-khoi-773909