Diễn biến mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Tuần qua, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thêm diễn biến mới. Nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan ngày 6/12 thông báo tăng gấp 3 khoản đầu tư lên 40 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại bang Arizona (Mỹ).
Động thái tăng đầu tư ở Mỹ của TSMC
Theo hãng tin Reuters, việc TSMC mở rộng đầu tư tại Mỹ là thắng lợi của Tổng thống Joe Biden sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến kinh tế Mỹ bị đình trệ trong thời gian đầu ông mới nắm quyền. Đây cũng là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của TSMC bên ngoài vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Phát biểu khi đến thăm nhà máy sản xuất đang được TSMC hoàn thành ở Phoenix (bang Arizona), Tổng thống Joe Biden khẳng định: "Sản xuất tại Mỹ đã trở lại".
Về phần mình, ông Mark Liu, Chủ tịch TSMC, ước tính doanh thu hằng năm của TSMC sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD khi hai nhà máy sản xuất chip của mình tại Mỹ đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, lần lượt vào năm 2024 và 2026. Bên cạnh đó, ông cho rằng các khách hàng sử dụng chip mà TSMC sản xuất tại Mỹ có thể đạt doanh thu hằng năm lên tới 40 tỷ USD.
Theo TSMC, tập đoàn này sẽ xây dựng nhà máy thứ hai, gần nhà máy thứ nhất, để sản xuất chip 3 nanometer - loại chip tiên tiến nhất hiện nay vào năm 2026. Ông Mark Liu cho rằng các nhà máy sản xuất này có thể tạo ra 13.000 việc làm công nghệ cao.
Mặc dù TSMC mở rộng đầu tư ở Mỹ nhưng nhà máy mới ở Phoenix sẽ chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của Mỹ và sớm nhất đến năm 2024 mới đi vào hoạt động. Điều này khiến Mỹ vẫn phụ thuộc vào các nhà máy ở Đài Loan.
Hiện các khách hàng lớn của TSMC là Apple, Nvidia và Advanced Micro Devices đều mong muốn các chip mà họ sử dụng đều được sản xuất tại các nhà máy mới.
Các công ty duy nhất có khả năng cạnh tranh với TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip là Samsung của Hàn Quốc và công ty bán dẫn Intel của Mỹ.
Với chủ trương thúc đẩy ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài, tháng 8 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, theo đó, Mỹ sẽ đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn và công nghệ cao nội địa. Mỹ cũng đã chi hàng chục tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển ngành này.
Nhận định về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, ông Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, cho rằng đạo luật mới của Mỹ sẽ thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ, đồng thời làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc. Ông Wenjun nói: “Về lâu dài, đạo luật của Mỹ có thể làm giảm chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng thiếu người tài đối với Trung Quốc”.
Căng thẳng mới trên mặt trận công nghệ
Sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn vẫn luôn là vấn đề cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả hai đều muốn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ này.
Phát biển trên tờ SCMP, chuyên gia Alex Capri tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc TSMC tăng cường đầu tư và sản xuất chip siêu nhỏ tại các nhà máy ở Mỹ sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc, do TSMC không được phép sản xuất chip tiên tiến tại Trung Quốc. Ông Capri nhấn mạnh: "Tham vọng tự chủ trong ngành chip của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với khó khăn do Mỹ tăng cường nỗ lực bảo vệ công nghệ và chuỗi giá trị bán dẫn".
Theo tạp chí Fast Company (Mỹ), ông Jason Hsu, một cựu nghị sĩ Đài Loan tại trường Harvard, việc TSMC chuyển sang Arizona là cho thấy thế giới đang hướng tới một “hệ thống hai chip”: Mỹ và các đồng minh sử dụng chip do TSMC sản xuất và phần còn lại của thế giới sử dụng chip từ các nhà máy của Trung Quốc như SMIC của Thượng Hải.
Phản ứng trước động thái của TSMC, một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc gọi việc TSMC xây nhà máy mới tại Mỹ là một “khúc ngoặt tăm tối” cho ngành chất bán dẫn toàn cầu.
Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu vì nước này còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Đầu tháng 7, ông Li Yizhong, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho rằng Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bắt kịp sản xuất chất bán dẫn và vật liệu nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu. Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ sản xuất được loại chip 28 nm được sử dụng chủ yếu trong thiết bị viễn thông, sản xuất ô tô và điện tử tiêu dùng.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp như mua các nhà sản xuất chip nước ngoài, chi hàng tỷ USD để trợ cấp cho các công ty chip Trung Quốc và tránh các biện pháp hạn chế của Mỹ.
Điều này đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Mỹ trong tương lai, trong bối cảnh lợi thế của nước này đang giảm dù từng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong thiết kế và chế tạo những con chip nhanh nhất.
Để ngăn chặn Trung Quốc trong cuộc chiến này, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt vào tháng 10, ngăn chặn Trung Quốc mua các công nghệ nhạy cảm để sản xuất chip, gồm cả phần mềm tiên tiến và máy móc cần thiết để sản xuất chip. Quy định mới bao gồm nội dung hạn chế xuất khẩu một số loại chip sử dụng trong lĩnh vực siêu máy tính và siết chặt các quy định về bán thiết bị bán dẫn.
Chính quyền Mỹ cũng đang thúc ép các đồng minh còn do dự, như Hà Lan và Nhật Bản, không bán cho Trung Quốc các yếu tố quan trọng khác của quy trình sản xuất chip. Mỹ cũng không khuyến khích Đài Loan bán chip tiên tiến cho Bắc Kinh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Trung Quốc vẫn không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về thông tin TSMC xây nhà máy tại bang Arizona. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ nhằm vào ngành sản xuất chip của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng phản đối các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt mà Mỹ đặt ra hồi tháng 10. Theo Tân Hoa xã, ngày 10/10, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố chính phủ nước này kiên quyết phản đối quy định mới của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Thương mại nhấn mạnh những động thái trên của Mỹ vi phạm tinh thần hợp tác giữa hai bên, gây tổn hại các quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như lợi ích thương mại của các nhà xuất khẩu Mỹ. Quan chức này kêu gọi tất cả các bên tăng cường hợp tác và cùng xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu an toàn, ổn định và hiệu quả.