Điện Biên: Năm 2023 chỉ số PCI của tỉnh tăng 31 bậc
Năm 2023 chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên đã tăng 31 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn quốc.
Theo công bố của VCCI, chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của tỉnh Điện Biên năm 2023 đã tăng 6,92 điểm, nâng tổng điểm PCI lên 66,77. So với năm 2022, Điện Biên tăng 31 bậc và xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Năm 2022 chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên xếp thứ 62/63 tỉnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2023 có sự cải thiện tích cực. PCI của tỉnh đạt 66,77 điểm (tăng 6,92 điểm; tăng 31 bậc so với năm 2022) xếp thứ 31 toàn quốc. Trong 10 chỉ số thành phần năm 2023 có 8 chỉ số tăng điểm, 2 chỉ số giảm điểm nhẹ so với năm 2022.
Về mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 của tỉnh đạt 80,1%; tăng 1,47% so với năm 2022, đứng thứ 49/63 tỉnh thành cả nước. Kết quả chỉ số CCHC năm 2023 của tỉnh đạt 88,02/100, tăng 1,72 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Đây là điểm số và thứ hạng CCHC cao nhất từ trước tới nay của tỉnh.
Về kết quả chỉ số CCHC năm 2023 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện: có 7/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt mức tốt; 11/19 cơ quan đạt mức khá. 10/10 UBND cấp huyện đều ở mức khá. Các cơ quan, đơn vị duy trì được kết quả tốt như: Văn phòng UBND tỉnh, huyện Mường Ảng… Đối với chỉ số chuyển đổi số, nhìn chung các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023 đạt mức trên trung bình trở lên và đều tăng điểm so với năm 2022.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận các kinh nghiệm, kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC; nhiệm vụ, giải pháp CCHC trong thời gian tới...
Để tiếp tục cải thiện trên bảng xếp hạng CPI nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt lưu ý các chỉ số thành phần bị giảm điểm, như: tính minh bạch, tính năng động, tiên phong của chính quyền và chỉ số đào tạo lao động.
Đặc biệt Chủ tịch tỉnh đề nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong CCHC gắn với chuyển đổi số; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC. Có cơ chế chính sách bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đẩy nhanh dự án đưa điện lưới về nông thôn nhằm phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, tập trung khắc phục các “điểm nghẽn”, nhất là việc làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở.
Ông Lê Thành Đô cũng chỉ rõ trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các cấp, các ngành. Đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt tạo chuyển biến căn bản về nhận thức; quán triệt đến công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Điện Biên cũng công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, trong khối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có 7 sở, ngành được xếp loại tốt; 11 sở, ngành được xếp loại khá và 1 đơn vị xếp loại trung bình. Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên đứng đầu trong số các sở, ngành tỉnh có chỉ số cải cách hành chính tốt.