Điện Biên Phủ, ngày 7-4-1954, địch điều động thêm lực lượng tăng viện
Về phía địch: Máy bay trinh sát của Mỹ bay trên bầu trời Điện Biên Phủ để nghiên cứu điều kiện thực hiện kế hoạch 'Diều hâu' và thả dù tăng viện Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2.
Về phía ta: Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ mới: Tiêu diệt thêm một bộ phận những lực lượng mới của địch; đánh chiếm thêm một số cứ điểm; tăng cường và tiếp tục đào trận địa tiến công, bao vây thọc hẳn vào khu trung tâm để cắt đứt tiếp tế, tiếp viện của địch, chuẩn bị mọi điều kiện có lợi để chuyển sang công kích.
Trong hội nghị sơ kết đợt 2, Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ nhận định thắng lợi đợt 2, biểu dương những tiến bộ, đồng thời phê phán những hiện tượng sai lầm trong đợt chiến đấu vừa qua.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, các đơn vị đã tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị ngay trên trận địa, xoay quanh chủ đề: "Chống hữu khuynh, tiêu cực". Lúc này trời đã bắt đầu mưa, nhiều trận mưa kéo dài mấy ngày liền. Tất cả các chiến hào và hào giao thông đều bị ngập nước, nhiều "hàm ếch" khoét sâu vào hai bên vách chiến hào bị nước mưa làm sụt lở, nhất là các vị trí đóng quân của Đại đoàn 308, đóng ở phía Tây giáp sân bay, ngay trên cánh đồng Mường Thanh.
Sau trận mưa là những ngày nắng dữ dội, không khí oi ả, ngột ngạt. Tiết trời tháng 4 ở Điện Biên Phủ, đúng như lời đồng bào địa phương nói, một ngày trải qua đủ bốn mùa: Khoảng 9 giờ sáng mới bắt đầu mùa xuân, sương tan, chim hót nhưng từ 11 giờ đến 15 giờ là mùa hè rất nóng, dù có được ngả lưng nghỉ trưa cũng không thể ngon giấc, từ 16 giờ đến 21 giờ trời mới dịu mát đôi chút, gọi là mùa thu nhưng bắt đầu từ 24 giờ đến 5 giờ sáng trời lại rét, có những đêm rét cóng. Sức khỏe của bộ đội giảm sút rất nhanh. Theo thống kê của Cục Quân y, bên cạnh 10 chiến sĩ bị thương thì cũng có tới 40 chiến sĩ bị bệnh.
Nhờ có đợt sinh hoạt chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ nâng cao, tinh thần đoàn kết cán bộ và chiến sĩ càng thêm gắn bó. Từ cơ quan đến đơn vị chiến sĩ đều chung sức chung lòng tìm cách khắc phục khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh địch cho tới khi toàn thắng. Ngoài tờ Báo Quân đội nhân dân xuất bản ngay tại mặt trận, các đại đoàn cũng đều có báo, các trung đoàn có bản tin in bằng đá li-tô. Báo chí các cấp từ hậu phương chuyển tới hoặc xuất bản ngay tại chiến trường cũng góp phần đắc lực trong việc tiến hành công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng bộ đội. Mỗi lá thư nhà từ hậu phương gửi ra tiền tuyến đều trở thành niềm vui chung được lan truyền đọc trong tổ ba người, có nhiều lá "thư tình" cũng được người nhận vui lòng cho đăng báo để anh em đồng chí đồng đội cùng "thưởng thức".
Từ hậu phương, bên cạnh lực lượng dân công hùng hậu liên tục thồ gạo, đạn ra chiến trường còn có các chiến sĩ bưu điện bảo quản chu đáo từng lá thư, để chuyển tới các đơn vị. Hồi đó thư gửi bộ đội không phải dán tem. Người viết chỉ cần đề ngoài phong bì ba chữ viết tắt "TBS" có nghĩa là thư binh sĩ là coi như thư bảo đảm đến tận tay chiến sĩ. Các nhà khoa học, tri thức, văn nghệ sĩ cũng lên đường ra mặt trận ngày càng đông. Các bác sĩ tài năng như: Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, Vũ Văn Cẩn… đều có mặt. Toàn bộ Trường Đại học Y khoa đều tạm đóng cửa một thời gian để cả thầy lẫn trò lên đường đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, kịp thời cứu chữa thương bệnh binh ngay tại mặt trận và đóng góp nhiều sáng kiến, công sức trong việc vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và dân công hỏa tuyến. Sau này, nhiều nhà bình luận của Pháp đã phải nhận xét, trong suốt thời gian chiến dịch kéo dài mấy tháng liền "phía bộ đội Việt Minh đã không có một vụ dịch bệnh nào xảy ra, thật là một sự kỳ lạ rất đáng khâm phục".
* Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:
- Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiến công vị trí Thượng Tó gần Hà Nam, tiêu diệt 230 tên địch thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Lê Dương số 5 (3/5 REI).
- Tại Liên khu 4, ta tập kích vị trí Sơn Tùng, diệt 90 tên địch.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.