Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 15/7
Đồng USD tăng giá cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ hay giá vàng được nâng đỡ nhờ lực mua từ nhà đầu tư... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 16/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
Thị trường ngoại hối
Trong phiên giao dịch sáng thứ Tư, đồng USD tăng giá cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, qua đó tiếp tục gây áp lực lên yên Nhật sau khi báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ cho thấy dấu hiệu về việc thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu tác động tới giá cả.
Giá cả các mặt hàng như cà phê, thiết bị âm thanh và đồ nội thất gia đình tăng cao khiến tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 ở mức cao, đặc biệt là các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao do các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Đà tăng của bạc xanh thể hiện rõ rệt nhất khi so với đồng yên (JPY). Yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng - 149,03 yên đổi 1 USD vào phiên đêm qua. Hiện tại, đồng USD giao dịch ở mức 148,90 yên Nhật.
Bên cạnh đó, euro và bảng Anh cũng dao động gần mức thấp nhất trong 3 tuần đã ghi nhận trong phiên trước đó, với mức giao dịch gần nhất lần lượt là 1,1608 USD và 1,3394 USD.
Nathaniel Casey, chiến lược gia đầu tư tại Evelyn Partners, cho biết sự tăng lên của giá hàng hóa cốt lõi tại Mỹ "có thể là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bắt đầu thấy một số áp lực lạm phát từ thuế quan ", mặc dù còn quá sớm để có thể khẳng định "chắc chắn".
"Mặc dù báo cáo lạm phát này không đáng báo động, sự gia tăng của hàng hóa cốt lõi và sự không chắc chắn về các mức thuế trong tương lai vẫn có thể khiến Fed và Chủ tịch Jerome Powell do dự trong việc cắt giảm lãi suất", ông Casey nói.
Các nhà giao dịch hiện đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 43 điểm cơ bản từ nay đến tháng 12, giảm so với mức hơn 50 điểm cơ bản vào đầu tuần.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao vào thứ Tư, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong vòng một tháng là 4,4950%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm ổn định ở mức 3,9503%, sau khi đã tăng khoảng 6 điểm cơ bản trong phiên trước đó.
Điều này đã hỗ trợ đồng USD so với rổ tiền tệ, giúp chỉ số USD Index dao động gần mức cao nhất trong vòng một tháng là 98,60.
Ở các thị trường khác, đô la Úc (AUD) tăng 0,02% lên 0,6517 USD sau khi đã giảm 0,45% vào thứ Ba. Đô la New Zealand (NZD) tăng 0,17% lên 0,5955 USD.
Một yếu tố khác đang ảnh hưởng lên tâm lý các nhà đầu tư là khả năng người kế nhiệm ông Powell có xu hướng ủng hộ hạ lãi suất mạnh hơn, điều này có khả năng thúc đẩy giá cả hàng hóa tăng cao.
Ông Trump đã công kích ông Powell trong nhiều tháng vì không nới lỏng chính sách và liên tục thúc giục ông từ chức. Vào thứ Ba, ông Trump cho biết việc chi vượt ngân sách cho dự án cải tạo trụ sở của Fed ở Washington trị giá 2,5 tỷ USD có thể là một lý do để sa thải.
Về thương mại, hôm thứ Ba, ông Trump cho biết Mỹ sẽ áp thuế 19% đối với hàng hóa từ Indonesia theo một thỏa thuận với quốc gia Đông Nam Á này và nhiều thỏa thuận khác đang được tiến hành. Ông cũng cho biết các thư thông báo về mức thuế cho các quốc gia nhỏ hơn sẽ sớm được gửi đi, và chính quyền của ông có thể sẽ đặt mức thuế "hơn 10% một chút" cho các nước này.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư do các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới và triển vọng kém khả quan của các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, mặc dù nhóm cổ phiếu ngành bán dẫn tiếp tục tăng.
Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,09% xuống còn 39.642,4 điểm sau khi ghi nhận nhiều biến động. Chỉ số Topix giảm 0,29%, xuống 2.817,05 điểm.
“Nhà đầu tư hiện đang tìm cớ để trì hoãn hành động, chưa mạnh tay mua hay bán cổ phiếu”, ông Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Tachibana nhận định và thêm rằng: “Họ vẫn đang chờ đợi thận trọng kết quả cuộc bầu cử Thượng viện, trong khi triển vọng đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa rõ ràng”.
Một thất bại của liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Komeito trong cuộc bầu cử ngày 20/7 có thể trao thêm quyền lực cho phe đối lập, lực lượng đang vận động tranh cử với cam kết cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế tiêu dùng. Những lo ngại này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục, làm dấy lên quan ngại về chi phí vay vốn gia tăng.
Nhóm cổ phiếu bán dẫn vẫn là điểm sáng trong phiên, trong đó Tokyo Electron tăng 2,94% và Advantest tăng 0,9%, theo sau đà tăng 4% của Nvidia tại thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu Nvidia bật tăng sau khi hãng công bố kế hoạch nối lại hoạt động bán dòng chip AI H20 tại thị trường Trung Quốc, góp phần đưa chỉ số Nasdaq Composite lập đỉnh lịch sử mới.
Cổ phiếu Toho – đơn vị sản xuất loạt phim "Godzilla" tăng 10,06% sau khi công ty nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm.
Ở chiều ngược lại, Fast Retailing - tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo - giảm 1,2%, trở thành lực cản lớn nhất đối với chỉ số Nikkei. Toyota Motor giảm 0,93%, mặc dù đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng so với đồng USD.
Theo truyền thông địa phương, Thủ tướng Shigeru Ishiba đang lên kế hoạch gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Tokyo vào thứ Sáu tới, trước thời hạn ngày 1/8 để đạt được thỏa thuận thương mại, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế trừng phạt 25%.
Thị trường vàng
Trong phiên giao dịch sáng ngày 16/7 tại thị trường châu Á, giá vàng được nâng đỡ nhờ lực mua từ nhà đầu tư sau khi đã giảm 2 ngày liên tiếp, giao dịch quanh 3.330 USD/oz. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế trong bối cảnh chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ được công bố cao hơn so với tháng trước, làm giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và đồng bạc xanh mạnh lên sau khi Tổng thống Mỹ Trump trong một phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng đã hối thúc Fed hạ lãi suất ngay lập tức.