Điện Biên thực hiện tích cực và hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Đồng chí: Trần Quốc Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Tỉnh Điện Biên - vùng đất lịch sử biên cương của Tổ quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa Tây Bắc, là kho tàng phong phú di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, nhất là di sản chiến trường, di sản Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” luôn là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nghe báo cáo về tiến độ thực hiện Dự án Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Ảnh: Phạm Trung

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nghe báo cáo về tiến độ thực hiện Dự án Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Ảnh: Phạm Trung

Tỉnh Điện Biên của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Bắc đang lưu giữ 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật Xòe Thái” và “Then Tày - Nùng - Thái” đã được UNESCO vinh danh, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc, là tài sản vô giá để các thế hệ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, đồng bào các dân tộc Điện Biên còn có 37 lễ hội truyền thống độc đáo và 29 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến chiêm ngưỡng thực tế sống động về văn hóa và lịch sử. Điện Biên hiện có đội ngũ hơn 40 nghệ nhân ưu tú - những “kho báu sống” của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Bắc đang gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa đặc sắc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và các phong tục tập quán, tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, từ hiện tại hướng tới tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra công tác chuẩn bị cho đêm khai mạc show huyền tích U Va tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Ảnh: Tú Trinh

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra công tác chuẩn bị cho đêm khai mạc show huyền tích U Va tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Ảnh: Tú Trinh

Thời gian qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, các ban, bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các địa phương trong cả nước, tỉnh Điện Biên đã tích cực xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, làm cơ sở để tổ chức công tác tu bổ và phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo một số di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, như: Di tích Đồi A1; Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Trung tâm đề kháng Him Lam; Di tích Đường kéo pháo bằng tay và Trận địa pháo 806; Trận địa pháo H6 của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; tu sửa, xây dựng hệ thống bia biển giới thiệu các điểm Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ... Từ đó đã phục hồi được một phần các dấu tích cơ bản, kịp thời bảo vệ các di tích thành phần trước những tác động của thiên nhiên và xã hội. Đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa nhằm phát huy giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, như: Tượng đài Mừng công tại Di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Cải tạo, sửa chữa Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi E2; Phù điêu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ chiến đấu trên đồi Him Lam...

Công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ được quan tâm, đẩy mạnh trên diện rộng, quy mô toàn quốc bằng nhiều phương thức như tuyên truyền, kêu gọi trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ quan Trung ương như Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức lễ phát động quy mô lớn; liên hệ tới những tổ chức, cá nhân, chiến sĩ Điện Biên, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các lực lượng đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến nay, đã sưu tầm, tiếp nhận, nâng tổng số tài liệu, hiện vật hiện có trong các bảo tàng, nhà tưởng niệm lên trên 4 nghìn hiện vật, tài liệu; kêu gọi xã hội hóa xây dựng mái che hiện vật ngoài trời để kéo dài tuổi thọ hiện vật tại một số điểm di tích.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch. Một số điểm di tích lịch sử đã đồng thời trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hàng loạt hoạt động văn hóa - văn nghệ được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương và khẳng định vai trò của văn hóa trong việc kết nối cộng đồng. Những chương trình nghệ thuật tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, đồng thời thúc đẩy ý thức gìn giữ văn hóa đặc sắc của người dân địa phương.

Phần thi tự chọn của Trường THPT huyện Điện Biên trong Liên hoan nghệ thuật xòe Thái tổ chức vào tháng 3/2024. Ảnh: Mai Giáp

Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận nhưng tỉnh Điện Biên vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trước hết, do là tỉnh miền núi nghèo, lạc hậu, nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa và hoạt động bảo tồn còn rất hạn chế. Nhiều loại hình di sản, đặc biệt là văn hóa phi vật thể mới chỉ được ghi nhận ở một số dân tộc đông người, trong khi đó văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường, những biểu hiện lai căng, biến dạng trong lễ hội, trang phục, công trình kiến trúc ngày càng phổ biến đã và đang ảnh hưởng tới người dân, nhất là thế hệ trẻ, làm mai một những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất văn hóa hiện đại và công tác đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số vào lĩnh vực văn hóa; sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ có chuyên môn, tâm huyết vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nhiều tư liệu, tài liệu mẫu tự cổ của một số dân tộc thiểu số đã sưu tầm được nhưng thiếu chuyên gia và nguồn lực để tổ chức dịch, giải mã. Số người biết các mẫu tự cổ dân tộc thiểu số đang ngày một ít dần theo thời gian...

Để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy vai trò di sản văn hóa, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về giá trị to lớn của di sản văn hóa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy vai trò di sản văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa phương; huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, trong đó ưu tiên kinh phí cho công tác bảo tồn, nghiên cứu và quảng bá di sản văn hóa; tích cực thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước đối với bảo tồn di sản; quan tâm củng cố thiết chế văn hóa (xây dựng và nâng cấp hệ thống bảo tàng, trung tâm văn hóa cấp tỉnh, huyện); triển khai và hoàn thiện dự án Bảo tàng tỉnh để trở thành địa chỉ trưng bày di sản và giáo dục lịch sử; xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết; gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững.

Ghi nhớ lời căn dặn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất”, chúng ta cần chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Điện Biên, góp phần thiết thực ngày càng làm giàu thêm kho tàng di sản của dân tộc và nhân loại.

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/chinh-tri/dien-bien-thuc-hien-tich-cuc-va-hieu-qua-cong-tac-bao-ton-phat-huy-di-san-van-hoa