Điện cho phục hồi kinh tế ngày càng 'nóng'
Nhu cầu điện phục vụ cho phục hồi kinh tế ngày càng lớn, đật ra bài toán thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi ngày càng lớn.
Phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, điện cho phát triển kinh tế đang nóng, nhất là sau 2 năm đại dịch. Các năm 2022-2023 là năm cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu điện không được đáp ứng sẽ kéo giảm phục hồi kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện".
Trong khi đó, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc, việc hỗ trợ kéo điện từ miền Trung ra miền Bắc bị giới hạn bởi truyền tải. Căng thẳng Nga - Ukraine cũng khiến nguồn cung năng lượng sơ cấp bị ảnh hưởng, giá nhập khẩu cao. Việc mất cân đối nguồn cung điện tại các vùng miền dẫn tới khó khăn nhất định trong điều độ vận hành hệ thống điện, thực tế huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện thực tế cũng đang gặp nhiều thách thức.
"Nhu cầu điện tiếp tục tăng cao cần có phương án hợp lý để đảm bảo cung ứng điện, nhưng chi phí phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tuân thủ những cam kết quốc tế"
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo - Bộ Công thương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNPT) thông tin, theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn đến 2030, có xét đến 2045 (Quy hoạch điện 8) lưới điện truyền tải sẽ tiếp tục phải được đầu tư với khối lượng rất lớn để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cụ thể theo dự thảo Quy hoạch điện 8, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo các TBA 500kV và 220kV là 183.510 MVA, gấp 1,7 lần so với tổng dung lượng MBA 500kV và 220kV hiện EVNNPT đang quản lý vận hành; đầu tư mới và cải tạo 34.291 km ĐZ 500kV và 220kV, bằng 1,28 lần so với tổng chiều dài ĐZ 500kV và 220kV của EVNNPT đang quản lý vận hành.
Nhu cầu đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 14 tỷ USD tương ứng với nhu cầu đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD mỗi năm.
Quá trình đầu tư lưới điện truyền tải của EVNNPT thời gian qua và tới đây đã và sẽ tiếp tục gặp phải các khó khăn vướng mắc trong đầu tư lưới điện truyền tải cần tiếp tục được Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ tháo gỡ.
Một trong những vấn đề cần tháo gỡ, theo ông Trung là Quy hoạch phát triển điện lực đang theo hướng bó chặt, không có tính mở và tính động, chưa phản ánh đúng bản chất của quy hoạch điện là phải có tính động và mở. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai các công trình lưới điện truyền tải của EVNNPT.
Việc bố trí quỹ đất cho các dự án lưới điện truyền tải chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm, quy hoạch điện chưa phù hợp với các quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia, dẫn đến nhiều dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đặc biệt là các dự án 500kV.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng điện cho phục hổi phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ của các dự án nguồn điện, đưa vào vận hành đúng kế hoạch.
Dù vậy, khó khăn, trở ngại trong triển khai các dự án điện vẫn còn nhiều. Ông Tài Anh nêu, các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; Trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thực hiện thời gian kéo dài, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để tiến độ triển khai các dự án điện được đẩy nhanh.
Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá than, khí...tăng rất mạnh, nhập khẩu không thuận lợi, những biến động này tạo áp lực lớn lên ngành điện, cả về đầu tư xây dựng lẫn sản xuất kinh doanh.
Dù vậy, EVN cam kết với Chính phủ năm 2022 sẽ không tăng giá điện, nỗ lực cân đối nguồn điện để bảo đảm nguồn cung điện cho phát triển kinh tế, ông Tài Anh khẳng định.
Theo EVN, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Với tình hình thực tế của năm 2022, nguồn điện mới ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành rất ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống.
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như vào cuối tháng 3, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện bởi nhiều tổ máy nhiệt điện than đã phải dừng và giảm phát.
Ngoài ra, thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cũng cho biết tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới, làm nguy cơ thiếu than dẫn đến khả năng thiếu điện từ tháng 4 trở đi.
EVN tính toán, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ, cụ thể là các tháng 5, 6 và 7.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-cho-phuc-hoi-kinh-te-ngay-cang-nong-d163654.html