Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021: 5T để phát triển văn hóa doanh nghiệp thời kỳ Covid-19
Chiều 5/12, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn văn hóa với DN năm 2021 với chủ đề: 'Tiếp biến văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế'.
Vaccine văn hóa
Tại phiên tọa đàm thứ 2 với chủ đề: “Vaccine văn hóa DN trước đại dịch Covid-19”, các diễn giả đều khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Tổng Giám đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú Trần Trâm Anh chia sẻ: “Văn hóa cũng như vaccine tiêm vào DN. Văn hóa không tự có, cần đủ liều, đúng thời điểm nếu không muốn sốc phản vệ. Để có điều này cần có nghệ thuật để tạo kháng thể”.
Sau khi các diễn giả chia sẻ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có ý kiến góp ý. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu: “Từ nãy đến giờ, diễn giả đều nói nhờ VHDN mà trụ vững, vượt qua khó khăn của đại dịch, đưa DN phát triển. Nhưng tôi muốn hỏi qua đợt dịch thứ 4 này, với tư cách là người quản trị DN, anh chị đang thấy thiếu cái gì về VHDN cần phải bổ sung, cấp cứu khi đại dịch đến”.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đưa ra 2 thực tiễn: “Khi các đoàn cứu trợ đưa quà đến cho công nhân bằng gói an sinh thì có một bộ phận công nhân không đủ cơ sở để nấu nướng nên túi quà buộc phải trả lại cho các đơn vị vận động. Bởi, họ không có phòng ở để nướng, bếp ăn của họ trong căng tin của DN; trên đường về họ ghé đâu ăn đó rồi về. Nhưng khi dịch bệnh không được ra ngoài lại thiếu thốn”. Thứ 2, bên cạnh một nhà máy rất lớn, hoành tráng có vị trí đắc địa; có quy mô, quy trình đi vào nhà máy rõ ràng. Công nhân đến nhà máy là điểm đến, nhưng điểm đi là những nhà trọ chưa đảm bảo chất lượng cho cuộc sống của họ. Ở đó có 5 -7 người trong một căn nhà trọ hẹp thì ta nghĩ gì đến điểm đến và điểm đi” – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.Sau khi đưa ra 2 ví dụ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Khi chúng ta đang nói yên tâm, và sự chia sẻ, vấn đề thương yêu và trách nhiệm; nên chăng, trách nhiệm của DN trong vấn đề này là cùng với Nhà nước để tính toán thêm, phát triển kinh tế DN nghĩ đến với góc độ an sinh. Hãy cho chúng tôi lời khuyên, chúng ta thấy đang thiếu gì qua đại dịch này và sắp tới chúng ta cùng nhau làm gì khi có hiện trạng nêu trên?”.Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh chia sẻ: Người đứng đầu DN không chỉ lãnh đạo bằng khối óc mà cần bằng cả trái tim. Chúng tôi có vaccine 5T: “Thân” – khi dịch bệnh 100% nhân viên làm tại nhà, “Tâm” - được bình an, “Trí” - được phát triển, “Tiền” - có đầy đủ và “Trái tim” - lãnh đạo kiên tâm phải quan tâm tối đa người lao động ở mức có thể.Tiếp tục trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Lê Trí Thông cho biết: “Trong những năm qua, chúng ta tập trung vào hạ tầng phát triển kinh tế nhưng hạ tầng an sinh cần có sự phát triển đồng bộ. Chúng ta nói DN phát triển trong 10 năm qua, có hạ tầng kết nối viễn thông, DN này kết nối với DN kia. Nhưng hạ tầng khác liên quan tới VHDN mỗi DN đang phát triển một cách cục bộ. Do vậy, Nhưng chúng ta cần tạo ra một sự liên thông, kết nối giữa VNDN này với VHDN khác”. Tiếp biến văn hóa trở nên cấp thiếtTại phiên tọa đàm đầu tiên, các diễn giả đã chia sẻ các ý kiến xoay quanh chủ đề “Tiếp biến văn hóa và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh”. Nhìn nhận VHDN với vai trò như “chân ga” và “chân phanh” trong sự phát triển của DN, Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) Giản Tư Trung phân tích, với vai trò là “chân ga”, văn hóa giúp DN có lực để vượt đèo cao; ngược lại, với vai trò là nội lực, chiều sâu, văn hóa là “chân phanh” giúp DN vượt qua thách thức, thậm chí không bị rơi xuống vực sâu. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Văn hóa Việt Nam, trong đó có VHDN cần có sự phát triển tương xứng.
Theo đó, các diễn giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. GS.TS Từ Thị Loan – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam chia sẻ: Có 5 xu hướng tiếp biến văn hóa, bao gồm: Đồng hóa, bảo thủ, hội nhập, chuyển đổi và định biên. Các DN Việt Nam rất thông thái, họ đủ tỉnh táo để chọn lựa xu hướng tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hội nhập và bối cảnh 4.0 hiện nay”.Bên cạnh các nội dung tại các buổi tọa đàm, tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa DN Hồ Anh Tuấn đề nghị: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sắp tới nên có Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng VHDN VN sau 5 năm thực hiện; Cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển VHDN Việt Nam (do DN đóng góp để thúc đẩy VHDN); Có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh VN”.Cùng với đó, tại diễn đàn đã diễn ra buổi lễ trao tặng bằng khen cho các DN, tổ chức hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam năm 2021; Lễ ký kế chương trình hợp tác triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa ban tổ chức 24B và CLB doanh nhân Sao Đỏ.
Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh, uy tín kinh doanh, thương hiệu của DN, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho DN. Sự ổn định và thịnh vượng của các DN cũng chính là sự ổn định và phồn vinh của đất nước.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/5t-de-phat-trien-van-hoa-doanh-nghiep-thoi-ky-covid-19-442771.html