Diễn đàn 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam': Đào tạo đội ngũ viết kịch bản mang tầm quốc tế

Hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội và TP HCM nên sớm cử người đi học cách viết kịch bản ở những nước có nền sân khấu phát triển.

Với kinh nghiệm của chính mình qua những lần viết kịch bản sân khấu cho những chương trình văn hóa gắn với du lịch, dù những chương trình này vẫn được biểu diễn, nhưng bản thân tôi tự cảm thấy nội dung các chương trình vẫn chưa thật sự hấp dẫn, chưa có điểm nhấn.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng

Những người viết kịch bản như chúng tôi biết những điều sơ đẳng là làm thế nào cho một tác phẩm đạt được những yêu cầu về mặt nghệ thuật, nhưng lại không biết cách dung hòa giữa một tác phẩm có tính nghệ thuật cao và ăn khách. Điều này một phần là do chúng tôi không được đào tạo một cách bài bản và khoa học.

Ngay như bản thân tôi, trước khi nhận lời viết kịch bản một chương trình nghệ thuật có gắn với chương trình, địa điểm du lịch nào đó, thì chỉ là đi xem nước ngoài họ làm thế nào rồi học hỏi. Và dù có học kinh nghiệm của bạn bè giỏi đến đâu, ta cũng chỉ bắt chước được hình thức bề ngoài mà thôi.

Chương trình “Mêkong show” - một chương trình thu hút đông du khách của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (Ảnh: Thanh Hiệp)

Chương trình “Mêkong show” - một chương trình thu hút đông du khách của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (Ảnh: Thanh Hiệp)

Do vậy để có những kịch bản sân khấu chất lượng cao, hấp dẫn khán giả, một trong những con đường khả thi nhất là gửi nhân lực ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo người viết kịch bản chuyên nghiệp.

Từ kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc, trước khi phim của họ lan tỏa khắp châu Á và thế giới, họ cũng chẳng biết phải làm phim chuyên nghiệp như thế nào. Rồi họ quyết định cử người đi những nước có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới để học. Và bây giờ kết quả là điện ảnh Hàn Quốc đã có tiếng ở châu Á và cả thế giới.

Lịch sử và văn hóa Việt Nam có rất nhiều huyền thoại, thần tích, nhân vật có thể đưa lên thành biểu tượng của một vùng đất và một địa danh. Việt Nam, với du khách thế giới, vẫn là một địa điểm huyền bí và hấp dẫn.

Có người còn ví von, Việt Nam như một cô gái đẹp và họ đã yêu, và khi yêu họ chấp nhận một vài tật xấu nho nhỏ.

Do đó, ở cương vị một người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp, tôi cho rằng cần sớm có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài đội ngũ sáng tác kịch bản mang tầm quốc tế. Khi được học bài bản, được giao tiếp, được chạm đến những công đoạn làm ra một sản phẩm văn hóa gắn kết với kịch bản. Lực lượng này sẽ là nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiều năm qua đã tổ chức Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, nơi sẽ là điểm hẹn của sân khấu các quốc gia tiên tiến, mà khi Việt Nam đã có một đội ngũ sáng tác hòa nhập được với thế giới, sẽ góp phần tạo hiệu quả nghệ thuật cho sân khấu gắn với công nghiệp văn hóa.

Đội ngũ này sẽ làm thay đổi diện mạo liên hoan, góp phần đưa sân khấu Việt Nam trở thành điểm hẹn của khán giả yêu thích sân khấu các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dien-dan-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-dao-tao-doi-ngu-viet-kich-ban-mang-tam-quoc-te-196240601145730425.htm