Diên Khánh: Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở

Gần 10 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Diên Khánh đã hòa giải thành 820 vụ việc, đạt 83,67% số vụ tiến hành hòa giải. Kết quả này đã góp phần lớn trong việc giải quyết dứt điểm những vướng mắc ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân.

Những giải quyết thấu tình đạt lý

Tổ hòa giải thôn An Định (xã Diên Phước) có 4 hòa giải viên do Trưởng thôn Trần Đình Hồng làm tổ trưởng. Ông Hồng vẫn nhớ như in một trường hợp tranh chấp về hoa màu trồng trên đất rẫy của 2 hộ dân khiến các thành viên trong tổ phải mất gần 1 tháng để xử lý. Vụ việc liên quan đến quyền lợi kinh tế của người dân khi hoa màu bị chặt phá, tình cảm láng giềng rạn nứt. Sau khi nhận được đơn của đương sự xảy ra mâu thuẫn, tổ hòa giải đã đến ghi nhận, nắm bắt, thu thập thông tin của 2 hộ dân và những người xung quanh. Các thành viên trong tổ hòa giải đã phân tích, vận động các hộ dân tự hòa giải để giữ tình làng nghĩa xóm; đồng thời dựa trên những quy định pháp luật chỉ ra quyền lợi, trách nhiệm của các bên. Vụ việc đã được hòa giải thành với cách giải quyết thấu tình đạt lý của các thành viên trong tổ. Được biết, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thôn An Định xảy ra gần 30 vụ tranh chấp, mâu thuẫn nhưng đều được tổ hòa giải thành 100%.

Các hòa giải viên của huyện Diên Khánh tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023. Ảnh: N.V

Các hòa giải viên của huyện Diên Khánh tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023. Ảnh: N.V

Theo bà Huỳnh Thị Hiếu - Bí thư kiêm Trưởng thôn Hạ, xã Diên Lâm, thành viên tổ hòa giải số 2 thôn Hạ, thời gian gần đây, những vụ tranh chấp về đất đai, mâu thuẫn gia đình xảy trên địa bàn thôn đã được tổ thực hiện hòa giải hiệu quả. Đa số người dân trong thôn theo đạo Công giáo nên các thành viên tổ hòa giải đã phối hợp chặt chẽ với Ban Mặt trận thôn, linh mục quản xứ để hòa giải những trường hợp tranh chấp phức tạp; phối hợp với cán bộ địa chính, tư pháp xã để xử lý những vụ việc liên quan ranh giới đất đai. Với cách giải quyết hợp tình hợp lý, phần lớn các trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn đều được tổ hòa giải thành.

Theo báo cáo của UBND huyện Diên Khánh, toàn huyện có 99 tổ hòa giải với 519 hòa giải viên. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã thực hiện hòa giải 980 vụ, trong đó có 820 vụ việc hòa giải thành (chiếm 83,67%). Phần lớn các vụ việc phát sinh mâu thuẫn là quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình… Hoạt động hòa giải đã giải quyết vướng mắc trong khu dân cư, hạn chế việc khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền; góp phần làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Nâng cao năng lực của hòa giải viên

Ngày nay, trình độ dân trí ngày một cao, đòi hỏi trình độ hiểu biết, năng lực thuyết trình, diễn đạt, liên hệ thực tế của hòa giải viên không ngừng được nâng lên. Khi thực hiện hòa giải các vụ việc cụ thể, hòa giải viên thường áp dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền về các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Hòa giải ở cơ sở để không chỉ tác động đến đối tượng xảy ra tranh chấp mà còn với những người xung quanh. Theo báo cáo của UBND huyện, hàng năm, huyện đã tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở cho hơn 560 lượt cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ liên quan đến hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội nghị tập huấn dành cho hòa giải viên cơ sở và công chức tư pháp - hộ tịch 18 xã, thị trấn; cấp phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở… Ngoài ra, UBND huyện và các xã, thị trấn thường xuyên đăng tải các tài liệu pháp luật và các giải đáp tình huống dành cho hòa giải viên cơ sở trên trang thông tin điện tử huyện, xã, thị trấn; đồng thời phát trên Đài Truyền thanh cơ sở. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên huyện Diên Khánh phổ biến “Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” cho 200 hòa giải viên cơ sở.

Ông Huỳnh Văn Phi - Trưởng phòng Tư pháp huyện Diên Khánh cho biết, trên thực tế, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên còn hạn chế; phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm như: Quan hệ gia đình, đất đai... Nhân sự cho các tổ hòa giải ở cơ sở hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Trong thôn, tổ dân phố ít người muốn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là những người có khả năng, trình độ do ngại va chạm trong cộng đồng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở; gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đảm bảo đúng theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở; thực hiện có hiệu quả việc xử lý các vụ việc phát sinh tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/dien-khanh-thuc-hien-tot-cong-tac-hoagiai-o-co-so-afe05d3/