Điện khí hóa nông thôn: Động lực mới nào từ Luật Điện lực (sửa đổi)?

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đưa đến các giải pháp hữu ích nhằm đảm bảo nguồn điện ổn định cho các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo...

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Luật Điện lực ban hành năm 2004 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức và thành phần kinh tế đầu tư vào điện nông thôn. Tuy nhiên, theo thời gian, những hạn chế của luật cũ đã bộc lộ, khiến việc cấp điện cho các vùng khó khăn trở nên thách thức hơn, nhất là trong bối cảnh các yêu cầu đầu tư tăng cao.

20 năm dấu ấn Luật Điện lực 2004

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), kể từ khi Luật Điện lực được thông qua vào tháng 12/2004, các chính sách về phát triển điện nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo đã có những tiến bộ rõ rệt. Đạo luật này đánh dấu bước tiến trong công cuộc điện khí hóa nông thôn bằng việc xác định rõ khung pháp lý cho các tổ chức và doanh nghiệp kinh tế trong việc đầu tư điện nông thôn, qua đó đảm bảo cung ứng điện đến những vùng sâu, xa nhất của Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ảnh: EVN

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ảnh: EVN

Giai đoạn từ năm 2004 - 2013 chứng kiến nhiều dự án điện nông thôn với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các tổ chức quốc tế. Chính phủ cũng đưa ra cơ chế 85-15, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 85% chi phí, còn lại do EVN tự thu xếp. Nhờ đó, nhiều dự án điện đã được triển khai thành công, mở ra cơ hội sử dụng điện cho các hộ dân vùng Tây Nguyên và đồng bào Khmer. Đến cuối năm 2013, 98,4% hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện.

Từ năm 2013 - 2020, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu phổ cập điện cho mọi hộ dân thông qua Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,3%, tương đương với hơn 17,6 triệu hộ, và đạt được mục tiêu 100% xã có điện. Một số đảo như Cô Tô, Bạch Long Vĩ và Lý Sơn cũng đã được cấp điện, đóng góp vào phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, chương trình đầu tư công với quy mô lớn hơn tiếp tục được phê duyệt nhằm mở rộng lưới điện quốc gia và cải tạo các hệ thống điện cũ. Chính phủ đặt mục tiêu cấp điện cho 911.400 hộ dân, bao gồm cả những khu vực chưa có điện hoặc cần nâng cấp. Tuy nhiên, do vướng mắc về Luật Đầu tư công năm 2019 và sự thay đổi cơ chế sử dụng vốn ODA, tiến độ các dự án điện nông thôn chưa đạt như kỳ vọng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt khoảng 20.872 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu này.

Công tác quản lý và dịch vụ điện năng đã có những thay đổi đáng kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg, ngày 12/2/2009 của Thủ tướng, theo đó người dân được hưởng mức giá điện thống nhất từ thành thị đến nông thôn. Quyết định này cho phép ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các đơn vị địa phương không đủ năng lực, qua đó cải thiện chất lượng và dịch vụ điện năng cho người dân.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Cuối năm 2001, mô hình Điện lực quản lý trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn chiếm khoảng 25%, còn các mô hình do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương quản lý chiếm tỉ lệ khoảng 75%. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 9.740/10.629 xã/phường, chiếm tỷ lệ 91,6% số xã/phường và bán điện trực tiếp 93,9% hộ dân. Cả nước chỉ còn 488 doanh nghiệp, tổ chức bán điện trực tiếp tại 889 xã, phường với hơn 1,7 triệu hộ dân do các tổ chức ngoài EVN quản lý.

Hạn chế của luật hiện hành và giải pháp từ Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, mặc dù đã đem đến nhiều thay đổi tích cực thời gian qua nhưng Luật Điện lực năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế không còn phù hợp với chính sách huy động nguồn lực đầu tư, đặc biệt khi đối chiếu với Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Đầu tư năm 2020.

Trong bối cảnh hiện nay, sự bất cập của luật cũ đang cản trở quá trình mở rộng hệ thống điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt là cho các khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Để tháo gỡ những vướng mắc này, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung các quy định cụ thể về chính sách và đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo tại khoản 3 Điều 5 và Điều 24, trên cơ sở các Điều 60 và 61 của Luật Điện lực 2004.

Mặc dù Luật Điện lực 2004 đã trải qua bốn lần sửa đổi vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023, nhưng những quy định liên quan đến chính sách và đầu tư cấp điện cho các khu vực đặc thù này vẫn chưa được thay đổi đáng kể.

Theo báo cáo từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hệ thống lưới điện hạ áp hiện tại đã cũ nát, hiệu suất thấp, gây tổn thất điện năng cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Sự lạc hậu trong hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện không chỉ gây tổn thất điện năng mà còn khiến nhiều hộ dân đối mặt với nguy cơ mất an toàn do dây kéo tạm kéo dài hàng km từ trạm biến áp.

Mặc dù đã có nhiều dự án đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước và đối tác quốc tế, hiệu quả của các dự án này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Ví dụ như chương trình đa mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thủy lợi kết hợp thủy điện nhỏ, đầu tư một số tỉnh miền núi (các tỉnh miền núi phía bắc); Chương trình SIDA đầu tư thủy điện nhỏ và năng lượng mặt trời (Hà Giang, Quảng Nam); Dự án điện mặt trời vay vốn ODA Hàn Quốc (huyện Bố trạch, Minh Hóa - Quảng Bình) gặp khó khăn do chi phí thu tiền điện rất thấp và chưa có pháp luật về quản lý tài sản sau đầu tư.

Chương trình cấp điện 720 hộ biên giới tỉnh Cao Bằng với đầu tư năng lượng mặt trời kết hợp pin + trạm xạc sử dụng vốn nhà nước (EU không hoàn lại). Tại dự án này, về cơ bản các hộ dân được sử dụng điện với 2 bóng điện, quạt nhỏ, ti vi màn hình nhỏ với thời gian sử dụng điện trên 4 giờ/ngày (phụ thuộc thời tiết). Tuy nhiên, dự án do chưa có pháp luật về quản lý tài sản sau đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nên phải tạm giao người dân tự quản lý vận hành. Việc này dẫn đến chủ đầu tư chưa thực hiện được công tác nghiệm thu bàn giao giao tài sản.

Theo Luật Điện lực 2004, nhà nước ưu tiên bố trí vốn ngân sách công để phát triển lưới điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa và các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển của Luật Đầu tư công 2019 và Luật Đầu tư 2020, cần phải điều chỉnh để chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Điều này bao gồm việc ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, và vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, sửa đổi Luật Điện lực đã đề xuất nhiều chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội và đảm bảo tính ổn định trong đầu tư công.

Một trong những giải pháp trọng tâm của dự thảo sửa đổi Luật Điện lực lần này là xác định rõ nguồn lực nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư lưới điện, đi đôi với việc khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức xã hội trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp nhà nước như EVN được kỳ vọng tiếp tục là lực lượng nòng cốt, đặc biệt trong đầu tư và vận hành điện lưới tại các khu vực có nhu cầu xã hội cao và có yêu cầu về an ninh quốc phòng như khu vực biên giới và các đảo xa.

Dự thảo sửa đổi cũng đề xuất nguyên tắc phối hợp trách nhiệm giữa địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các địa phương được giao trách nhiệm trong việc quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện, trong khi EVN chịu trách nhiệm nâng cấp, bảo trì hệ thống lưới điện trung hạ áp hiện hữu. Các dự án đầu tư công sẽ được phân bổ kế hoạch vốn một cách hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ và tăng cường trách nhiệm của địa phương và EVN.

Để đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút nguồn lực xã hội, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi cũng đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án nhỏ lẻ như thủy điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Các nhà đầu tư có thể bán điện trực tiếp cho các hộ dân và tích hợp vào lưới điện quốc gia với những ưu đãi về tài chính và pháp lý. Cơ chế này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy nguồn cung điện ổn định và giảm thiểu tổn thất năng lượng tại những khu vực địa lý phức tạp.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý tài sản sau đầu tư, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc bàn giao và vận hành tài sản sau khi đầu tư. Tài sản hình thành trước công tơ điện sẽ được bàn giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, còn tài sản sau công tơ điện sẽ do người dân tự quản lý vận hành. Đây là một bước tiến nhằm minh bạch hóa trách nhiệm quản lý tài sản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời đảm bảo sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Một yếu tố quan trọng khác được nhấn mạnh trong dự thảo sửa đổi là vai trò của Bộ Công Thương và các cơ quan địa phương trong giám sát việc thực thi các chính sách cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi, và vùng biên giới. Bộ Công Thương sẽ chủ trì việc kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư, từ đó đảm bảo mọi hộ dân có thể tiếp cận nguồn điện an toàn và dịch vụ điện năng chất lượng. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng tại các khu vực đặc biệt khó khăn.

Nhìn chung, những đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật Điện lực sửa đổi hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi tích cực trong ngành điện, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo an toàn cho người dân và thúc đẩy phát triển bền vững cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-khi-hoa-nong-thon-dong-luc-moi-nao-tu-luat-dien-luc-sua-doi-354911.html