Điện khí LNG ngóng chờ cơ chế
Khó khăn lớn nhất hiện nay cho phát triển điện khí LNG là việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) do hiện nay chưa có khung giá cho điện LNG.
Khó nhất là đàm phán hợp đồng mua bán điện
Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Tuy nhiên, đến nay dự án này còn nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc PV Power, thông tin khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa PV Power và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kéo dài hơn 2 năm.
"PV Power đề xuất mức sản lượng bao tiêu hằng năm là 90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại, phù hợp với thời gian trả nợ vay của dự án. Tuy nhiên, bên mua điện (EVN) cho rằng điều này chưa có tiền lệ, phải chờ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền", ông Giang nói.
Không chỉ dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4, những dự án LNG khác như LNG Hiệp Phước (TP.HCM), Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II (Bình Thuận), LNG Quảng Ninh, LNG Bạc Liêu… cũng gặp khó khăn tương tự.
Vướng ở cơ chế giá
Theo các chuyên gia, những khó khăn trên vướng ở cơ chế giá do hiện nay chưa có khung giá cho LNG. Hiện giá LNG tại thị trường Việt Nam được định giá dưới tác động ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam.
Tùy thuộc vào nguồn nhập khẩu LNG (địa lý, nhà cung cấp...), cách thức lựa chọn (đàm phán song song, đấu thầu...), phương thức nhập khẩu (spot - giao ngay, term - định hạn...) cũng như chi phí đầu tư xây dựng và vận hành bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG vào Việt Nam có thể làm biến động giá LNG cấp cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ.
Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện. Do đó, có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện, như là thành lập một hay một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.
Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực tế, đòi hỏi sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, địa phương và các Bộ ngành liên quan.
Để mở cửa cho điện khí LNG, các chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn về xây dựng và vận hành kho cảng nhập khẩu LNG, các trang thiết bị vận chuyển LNG, bảo đảm về chất lượng, an toàn thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành các công trình khí LNG.
"Trong giai đoạn bắt đầu nhập khẩu LNG, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG để tăng nguồn lực đầu tư, đa dạng nguồn cung ứng khí đốt cho nền kinh tế quốc dân", một doanh nghiệp kiến nghị.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định theo Quy hoạch điện VIII, chỉ còn 7 năm nữa để các dự án LNG đi vào vận hành. Do đó, giải pháp là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án điện LNG, thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ vay vốn và quy định rõ ràng về quy trình phê duyệt, triển khai dự án LNG.
Chính phủ có thể hỗ trợ tài chính cho các dự án hạ tầng LNG thông qua các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư, giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu và tăng khả năng thu hồi vốn đối với các dự án.
Từ những vướng mắc thực tế, Phó tổng giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án điện khí LNG; cho phép các dự án này được chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện, cam kết sản lượng điện phát hằng năm dài hạn.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng mong muốn các bộ, ngành sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dien-khi-lng-ngong-cho-co-che-192231117155210386.htm