Điện lực miền Bắc vận động lắp điện mặt trời mái nhà: Giảm tiền điện, chia sẻ với hàng xóm

Tiêu thụ điện đã lập đỉnh mới, áp lực cung ứng điện tăng lên trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn. Giải pháp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu dùng đang được Tổng công ty Điện lực miền Bắc tích cực vận động.

Điện thương phẩm miền Bắc dự báo tăng hơn 12%

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt từ 8% trở lên và trong giai đoạn 2026-2030 ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng cần tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hằng năm tăng từ 12% đến hơn 16%. Đây là thách thức rất lớn.

Cung ứng điện cho miền Bắc không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện, mà còn là nền tảng vững chắc giúp duy trì an ninh năng lượng quốc gia, bởi đây là khu vực tập trung dân cư đông đúc, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, và nhu cầu điện tăng nhanh.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (Ảnh: Hồng Hạnh).

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (Ảnh: Hồng Hạnh).

Năm 2025, điện năng thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc dự báo sẽ tăng trưởng ở mức từ 9,84-12,46% so với năm 2024.

Diễn biến thời tiết dự báo nắng nóng sẽ đến sớm và cực đoan gay gắt hơn, nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt cũng sẽ tăng cao, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Trong khi, tình hình huy động các nguồn điện gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về chính trị trên thế giới.

Vì thế, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ xảy ra quá tải cục bộ hệ thống điện vào các giờ cao điểm, đặc biệt vào những khung giờ từ 13h00-15h00 và từ 20h00-23h00 của những ngày nắng nóng gay gắt khoảng từ tháng 5-8/2025.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống vật chất tinh thần…

Do đó, để thực hiện quyết liệt Chỉ thị 05, ngày 14/02/2024 của Thủ tướng về việc đảm bảo cung ứng điện bằng cách huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành hệ thống điện để khắc phục các khó khăn thách thức ngày càng lớn… Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực hiện loạt giải pháp.

Cụ thể, đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho EVNNPC và các công ty điện lực tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình điện.

Ngoài ra, UBND các tỉnh/thành phố, các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện triệt để Chỉ thị 20 của Thủ tướng về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, giảm bớt áp lực cho hệ thống điện thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện…

Lắp điện mặt trời mái nhà - Giảm tiền điện, hàng xóm cùng chia sẻ

Thực tế, hiện nay các công ty điện lực địa phương đang tích cực vận động khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thụ - một giải pháp nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều khách hàng.

Lắp điện mặt trời mái nhà, hóa đơn điện hàng tháng của gia đình chị Thùy đã giảm mạnh từ 5-6 triệu đồng xuống chỉ còn 600-800 nghìn đồng (Ảnh: Hồng Hạnh).

Lắp điện mặt trời mái nhà, hóa đơn điện hàng tháng của gia đình chị Thùy đã giảm mạnh từ 5-6 triệu đồng xuống chỉ còn 600-800 nghìn đồng (Ảnh: Hồng Hạnh).

Tỉnh Bắc Giang cũ là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh, mô hình này không chỉ được nhân rộng trong dân cư mà còn ghi dấu ấn trong các khu công nghiệp với quy mô đầu tư lớn và hiệu quả vượt trội.

Tại số 35, ngõ 113, đường Cao Kỳ Vân (Bắc Giang cũ), mái nhà rộng hơn 100 m² của gia đình chị Trần Thu Thùy đã được phủ kín các tấm pin quang năng. Chị đầu tư hệ thống này nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện thường xuyên trong nhà - vốn có trẻ nhỏ, lại sử dụng điều hòa và thang máy liên tục.

Với chi phí khoảng 200 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 18 kWp, kèm theo bộ lưu trữ (BESS) dung lượng 16,1 kWh, chị Thùy cho biết, hóa đơn điện hàng tháng của gia đình đã giảm mạnh từ 5-6 triệu đồng xuống chỉ còn 600-800 nghìn đồng. Không chỉ giúp tối ưu hiệu suất và giảm phụ thuộc vào điện lưới, hệ thống này còn mang lại những giá trị cộng đồng.

Chị Thùy chia sẻ: "Những ngày mất điện, hàng xóm sang nhà tôi xem phim, ngồi điều hòa, thậm chí mang cả nồi cơm sang cắm".

Tương tự, Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam) cũng lựa chọn giải pháp lắp đặt điện mặt trời mái nhà, vừa để giảm chi phí điện năng, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn "xanh" trong xuất khẩu hàng hóa.

Crystal Martin Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 3,06MW, đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu điện tiêu thụ của nhà máy (Ảnh: Hồng Hạnh).

Crystal Martin Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 3,06MW, đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu điện tiêu thụ của nhà máy (Ảnh: Hồng Hạnh).

Hiện nay, Crystal Martin Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 3,06MW, đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu điện tiêu thụ của nhà máy. Theo kế hoạch, công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1,2MW vào năm 2026 và thêm 1,2MW nữa vào năm 2028. Đến năm 2030, tổng công suất dự kiến đạt 5,4MW, có thể chủ động cung cấp tới 30% lượng điện tiêu thụ của nhà máy.

Ông Oun Kaowsiri, Tổng Giám đốc Crystal Martin Việt Nam chia sẻ:"Tôi tin rằng nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng, bởi ngày càng nhiều ngành công nghiệp đầu tư vào đây, dân số cũng sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của mình. Với Crystal Martin và Crystal International Group, chúng tôi đặt ra mục tiêu giảm 35% lượng phát thải CO₂ vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là mục tiêu rất quan trọng. Từ năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà như một trong những giải pháp chủ lực để đạt mục tiêu này".

Ông cho biết thêm, đến nay công ty đã hoàn thành giai đoạn 3 của dự án, tiết kiệm khoảng 3 triệu kWh điện mỗi năm. Trong 3-4 năm tới, tổng sản lượng điện mặt trời dự kiến đạt 6 triệu kWh/năm, tương đương khoảng 40% mức tiêu thụ điện của nhà máy.Qua đó giảm chi phí vận hành và tiến gần hơn tới mục tiêu giảm 35% CO₂ vào năm 2030.

Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình chị Thùy hay Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam) chỉ là số nhỏ trong hơn 600 khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà trong toàn tỉnh Bắc Giang cũ, với tổng công suất gần 15MWp, sản lượng điện phát lên lưới lũy kế 5 tháng đầu năm hơn 2,6 triệu kWh với số tiền trước thuế trên 5 tỷ đồng - con số ấn tượng này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả và tiềm năng nhân rộng mô hình.

Đây không chỉ là giải pháp bổ sung nguồn điện tại chỗ, giảm áp lực cho lưới điện mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, xanh hóa ngành điện. Góp phần vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030 phấn đấu đạt tỷ lệ 50% tòa nhà công sở và 50% hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu - phục vụ nhu cầu tại chỗ, không bán lên lưới điện quốc gia.

Hồng Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dien-luc-mien-bac-van-dong-lap-dien-mat-troi-mai-nha-giam-tien-dien-chia-se-voi-hang-xom-192250707220415697.htm