Công bố những thông tin thú vị về nhà đầu tư Việt

Mâu thuẫn giữa kỳ vọng sinh lời và hành vi đầu tư đang là điểm nghẽn trong hành trình tài chính của phần lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.

Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) vừa công bố kết quả khảo sát 2025 về thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân. Theo TVAM, dù mong muốn lợi nhuận cao nhưng tâm lý thận trọng và thiếu niềm tin khiến nhà đầu tư chưa sẵn sàng tiếp cận các giải pháp quản lý tài sản chuyên sâu.

Lệch pha giữa mong muốn và hành động

TVAM đã thực hiện với gần 600 nhà đầu tư có sổ tiết kiệm từ 200 triệu trở lên, trong đó có 40% sở hữu 500 triệu và 45% có từ 1 tỷ đồng trở lên, tại 5 thành phố lớn.

Kết quả cho thấy có đến 88% người tham gia kỳ vọng mức lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% nhắm tới mốc 15 -30%. Tuy vậy, phần lớn vẫn tập trung vào các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng, bất động sản, vốn là những kênh đầu tư tuy sinh lời tốt ở một số giai đoạn, song lại có tính thanh khoản thấp và chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động vĩ mô.

 Phần lớn vẫn tập trung vào các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng, bất động sản. Ảnh do AI tạo.

Phần lớn vẫn tập trung vào các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng, bất động sản. Ảnh do AI tạo.

Số liệu chỉ ra rằng 75% nhà đầu tư chỉ lựa chọn 2-3 kênh đầu tư, chủ yếu là kênh truyền thống, thay vì phân bổ tài sản một cách đa dạng.

Theo TVAM, thực tế này phản ánh tâm lý e ngại rủi ro và thiếu định hướng trung dài hạn. Họ thường ưu tiên các sản phẩm đơn giản, dễ tiếp cận hơn là việc đa dạng hóa danh mục qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp. Đáng chú ý, xu hướng này không chỉ tồn tại ở nhà đầu tư phổ thông mà còn phổ biến ở nhóm có tài sản lớn (từ 1 tỷ đồng) và thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.

TVAM cho rằng vấn đề không nằm ở khả năng tài chính mà chủ yếu đến từ việc chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức về quản lý tài chính.

“Không ít nhà đầu tư - kể cả những người có kinh nghiệm, vẫn chưa chủ động lập danh mục phù hợp với mục tiêu đang có. Dù có đến 74% nhà đầu tư kỳ vọng thu nhập hưu trí từ 100–500 triệu đồng mỗi năm. Thực tế phần lớn họ vẫn đầu tư theo thói quen, thiếu phân bổ rủi ro hợp lý. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tận dụng sức mạnh của lãi kép và không đạt được lợi nhuận như mong muốn”- báo cáo nêu.

Chưa đủ niềm tin vào dịch vụ quản lý tài sản

Khảo sát này cũng chỉ ra 77% nhà đầu tư thừa nhận gặp khó khăn khi tự quản lý tài sản, họ đang tự lo cho hành trình tài chính của mình mà thiếu sự hỗ trợ tư vấn chuyên sâu. Trong đó, 51% bị cảm xúc chi phối khi đầu tư, và 48% thiếu kiến thức chuyên môn, dẫn đến các quyết định ngắn hạn, thiếu hiệu quả.

Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư tự đánh giá cao khả năng tự xử lý tài chính của mình, đặc biệt ở nhóm chưa từng thua lỗ. Có đến 58% nhà đầu tư nhóm này cho rằng họ “không gặp khó khăn khi đầu tư”, trong khi ở nhóm thua lỗ tỉ lệ này chỉ là 10%.

Theo các nhà đầu tư, có rất nhiều lý do khiến họ “tự lo” cho tài chính như thói quen cá nhân hay tâm lý ngại dùng dịch vụ vì thiếu niềm tin vào đội tư vấn, sợ phí cao, hoặc tài sản chưa đủ lớn để sử dụng dịch vụ tư vấn…

Dù vậy, khi hỏi về mong muốn được tư vấn đầu tư chuyên sâu thì có tới 81% người tham gia khảo sát cho biết họ vẫn muốn, đặc biệt là ở các mảng bất động sản (44%); lập kế hoạch tài chính tổng thể (32%); đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, quỹ (31%); tư vấn thuế liên quan tới tài sản (29%).

Với dữ liệu này, TVAM cho rằng, đây là cơ hội phát triển cho các dịch vụ quản lý tài sản có thể tham gia vào hành trình tài chính của các nhà đầu tư hiện nay.

Dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số còn mới mẻ

Khảo sát của TVAM cho thấy, chỉ 36% nhà đầu tư biết đến dịch vụ quản lý tài sản biết đến hình thức quản lý tài sản số, nhưng chỉ có 16% là từng sử dụng dịch vụ.

41% người được hỏi cho biết họ thích tự quản lý tài sản, trong khi số khác thì e ngại rủi ro bảo mật, chi phí không rõ ràng hoặc vẫn cần tiếp xúc với chuyên gia tư vấn trực tiếp.

Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn cho biết, các tính năng công nghệ nổi bật của nền tảng số như cảnh báo rủi ro, theo dõi danh mục theo thời gian thực, hay gợi ý phân bổ tự động vẫn được đánh giá cao.

"Điều này cho thấy mô hình “hybrid - kết hợp giữa nền tảng số và chuyên gia tư vấn" có thể là chìa khóa để mở rộng dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới"- TVAM đánh giá.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cong-bo-nhung-thong-tin-thu-vi-ve-nha-dau-tu-viet-post859321.html