Đại biểu HĐND TP đề xuất giải pháp cho vấn đề chống hàng giả, thực phẩm bẩn
Chiều 8/7, thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội.
Chiều 8/7, trong chương trình kỳ họp 25 HĐND TP Hà Nội, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội; Nghị quyết quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025-2026; Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026-2030; Các nghị quyết khác triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.

Đại biểu HĐND TP Nguyễn Đình Hưng thảo luận tại tổ
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm
Thảo luận tại tổ, nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là giải pháp quản lý an toàn thực phẩm tại Hà Nội.
Về chính sách hỗ trợ bữa ăn học đường, đại biểu Nguyễn Đình Hưng đề nghị, xây dựng tiêu chuẩn dinh dưỡng khoa học, lựa chọn đơn vị cung ứng chuyên nghiệp để đảm bảo mỗi bữa ăn không chỉ ngon, an toàn mà còn đủ chất. Song song đó, nâng cao chất lượng khám sức khỏe học đường, kết hợp sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng và xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử. Đây là sự đầu tư chiến lược nhằm cải thiện tầm vóc và thể chất cho học sinh Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Liên quan vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, đây luôn là đề tài nóng, muốn giải quyết phải từ gốc, dù có thanh kiểm tra, xử phạt cũng không thể triệt để do nguồn cung nhiều qua đường tiểu ngạch, khó quản lý. Vừa qua, Nhà nước đã thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, cùng với tuyên truyền thì vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng lậu đã giảm. Nhưng nhu cầu của người dân vẫn cần, vì thế TP cần có cơ chế chính sách để các doanh nghiệp đầu tư, tăng nguồn cung phục vụ người dân.
Về Nghị quyết Hỗ trợ bữa ăn cho học sinh tiểu học, đại biểu Vũ Mạnh Hải đề nghị có cơ chế để giao cho cơ quan chuyên môn, đơn vị chuyên nghiệp làm công tác cung cấp suất ăn. Doanh nghiệp tự tổ chức cung cấp, vận chuyển, bảo đảm nguồn gốc thực phẩm, an toàn thực phẩm, còn nhà trường chỉ nên làm công tác giảng dạy.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại tổ
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tới đây sẽ hình thành chuỗi để doanh nghiệp đứng ra sản xuất, cung cấp suất ăn cho học sinh. Chuỗi từ đồng ruộng đến bếp ăn sẽ hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của người dân Thủ đô trong việc cung cấp suất ăn ngay cho học sinh.
Về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thời gian vừa qua, Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn vấn đề kiểm soát tồn dư hóa chất, quy trình giết mổ... hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện quy trình, cần đẩy nhanh tiến độ. UBND TP đã giao Sở Công Thương kiểm soát các chợ, trong đó giao các chợ kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường truyền thông đối với công tác an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức cho hai đối tượng chính. Thứ nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ người nuôi trồng đến các nhà hàng, bếp ăn tập thể, phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Thứ hai là người tiêu dùng, cần được trang bị kiến thức để nhận diện và tẩy chay các sản phẩm không an toàn.
Song, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ chính quyền địa phương đến các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh. Xây dựng một cơ chế giám sát từ cộng đồng, phát hiện sớm và công khai các cơ sở vi phạm, đồng thời vinh danh những đơn vị làm tốt, tạo ra một văn hóa tiêu dùng và sản xuất an toàn trên toàn xã hội.
“Cuộc chiến” hàng giả, hàng nhái
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Thắng cho rằng, với hàng giả, hàng nhái đang thực sự là “cuộc chiến” khi nhiều thông tin về chính sách người dân không năm rõ, bên cạnh đó là vấn đề lợi dụng người nổi tiếng quảng cáo, buôn bán trên mạng không đạt tiêu chuẩn… gây ảnh hưởng lớn đến người dân.
Do đó, TP cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, đặc biệt liên quan đến sức khỏe người dân càng phải đẩy mạnh quyết liệt, tránh hiểu nhầm dẫn đến hiện tượng các tiểu thương đóng cửa hàng loạt như vừa qua. Để các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, đảm bảo cho đời sống người dân được tiếp diễn.

Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, đại biểu HĐND TP Phùng Tân Nhị cho rằng một trong những biện pháp là phải tăng cường sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu cho các vùng sản xuất, làng nghề của Hà Nội
Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, đại biểu HĐND TP Phùng Tân Nhị cho rằng, một trong những biện pháp là phải tăng cường sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu cho các vùng sản xuất, làng nghề của Hà Nội; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa đảm bảo chất lượng trên thị trường.
Cùng với đó, TP phải rà soát lại việc xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp, với mô hình xã mới hiện nay, việc thực hiện phải có hướng dẫn cụ thể, tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới có khởi đầu nhưng không có kết thúc
Trong khi đó, đại biểu HĐND TP Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi TP quyết tâm dẹp hàng giả, hàng nhái trên phạm vi toàn TP, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh đã tạm dừng hoạt động, song việc này cần phải đánh giá thực chất, các cá nhân tạm dừng kinh doanh để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng chứ không phải né thuế hay do các chính sách mới về thuế. Việc chống hàng giả, hàng nhái là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử và các ứng dụng giao đồ ăn nhanh cũng đặt ra những thách thức mới trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. “Các chế tài xử phạt hiện hành, kể cả khi đã được nâng lên gấp đôi theo Luật Thủ đô, dường như vẫn chưa đủ sức răn đe do lợi nhuận từ gian lận thương mại quá lớn. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn.
Theo đó, phải sớm sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, nhất là siết chặt quản lý sản phẩm tự công bố và bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Đại biểu gợi ý, có thể gắn trách nhiệm vi phạm với mã định danh cá nhân, đình chỉ vĩnh viễn quyền kinh doanh, thậm chí hình sự hóa các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm, nâng cao năng lực giám sát và phát hiện vi phạm, đảm bảo thực thi pháp luật một cách hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.