Diện mạo hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện
Từ đầu năm đến nay, ngành Giao thông vận tải đã tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, cùng với đó là chú trọng đến công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí logistic, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngay từ những ngày đầu năm 2023 và cả trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lãnh đạo Bộ GTVT đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo hiện trường, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án phải hoàn thành trước 30/4/2023 là Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây và trong năm 2023, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...; đồng thời tiếp thu, giải quyết ngay kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực GTVT, phối hợp và hướng dẫn các địa phương được giao là cơ quan chủ quản các dự án cao tốc.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục, khởi công 6/6 dự án mới như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam; dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh...
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) góp phần gìn giữ KCHTGT trị giá hàng triệu tỷ đồng, đồng thời giúp giao thông êm thuận, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).
Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023 đối với hệ thống quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không và giao Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), các Cục Quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện theo quy định nhằm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên cả 5 lĩnh vực; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành khai thác và bảo trì KCHTGT nhằm bảo vệ kết cấu công trình và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), trong đó đặc biệt chú ý về công tác xử lý điểm đen, điểm mất ATGT, các vị trí đường ngang giao với đường sắt…
Trong đó, lĩnh vực đường bộ đã phê duyệt kinh phí khoảng 790 tỷ đồng để xử lý 161 điểm đen và điểm tiềm ẩn, nguy cơ mất ATGT trên hệ thống quốc lộ. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã hoàn thành sửa chữa toàn bộ các điểm đen TNGT chuyển tiếp từ năm 2022, đồng thời chuẩn bị xử lý 2 điểm đen TNGT mới với kinh phí 8,8 tỷ đồng trên nguyên tắc ưu tiên đưa các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông vào kế hoạch bảo trì nhằm sớm xử lý.
Các cơ quan chức năng đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp tại 1.438/1.871 vị trí (đạt 76,85%); cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 2.988/3.501 vị trí (đạt 85,3%); tổ chức cảnh giới ATGT tại 356/597 vị trí giao cắt (59,6%); cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3m là 187/737 vị trí (25,3%); đã kết nối duy trì tín hiệu đường bộ - đường sắt tại 32 điểm; đã kết nối tín hiệu đường sắt (đường bộ chưa kết nối) tại 16 điểm.
Các đơn vị của Bộ GTVT đang triển khai 5 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, 15 dự án nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải, 6 công trình sửa chữa, bảo trì công trình hàng hải và 5 dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm cũng như đang tiếp tục triển khai 2 dự án trọng điểm theo tiến độ (Cảng HKQT Long Thành - giai đoạn 1; đường cất hạ cánh Cảng HK Côn Đảo); đang triển khai thủ tục thực hiện 16 dự án bảo trì công trình hàng không và 49 dự án bảo trì KCHTGT hàng không...
Đảm bảo an toàn giao thông là mục tiêu hàng đầu
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, bám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ môi trường các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành GTVT, như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu…
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; ưu tiên bổ sung, sửa đổi vạch kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm: rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng đường, hốc cứu nạn để tránh và giảm thiểu hậu quả tai nạn cho các xe mất phanh khi đi trên đường đèo, dốc dài.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ; đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa, thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra luồng tuyến, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông; chú trọng kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các sở GTVT tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; thực hiện xây dựng và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) và cấp mới GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia; Tiếp tục đôn đốc, giám sát các cơ sở đào tạo lái xe khẩn trương triển khai đồng bộ việc sử dụng cabin học lái ô tô trong đào tạo lái xe.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nội dung: Hoàn thành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đường bộ của cơ quan quản lý nhà nước trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức kiểm tra việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý vận tải và bảo đảm an toàn giao thông tại các sở giao thông vận tải; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; việc chấp hành quy định về kiểm soát tải trọng xe; kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác bay, điều hành bay, dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không, sân bay.