Điện mặt trời ổn định nhờ pin lưu trữ, người dân có lợi khi đầu tư năng lượng sạch

Chuyên gia đề xuất các hộ lắp điện mặt trời mái nhà có công suất từ 1 MW trở lên, phải lắp song song pin lưu trữ. Có pin lưu trữ giúp tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, dễ dàng bán điện còn dôi dư.

Pin lưu trữ là giải pháp đưa điện mặt trời lên lưới

Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu, đánh giá pin lưu trữ tại các dự án năng lượng tái tạo để đề xuất trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng và ban hành nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu có các cơ chế chính sách mới.

Trong đó, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính với các đơn vị lắp đặt; trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà có hệ thống lưu trữ, có thể mua 100% công suất điện dư và nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm; đồng thời nâng công suất cho điện mặt trời mái nhà.

Đầu tư pin lưu trữ là giải pháp phát triển ổn định năng lượng tái tạo đưa lên lưới.

Đầu tư pin lưu trữ là giải pháp phát triển ổn định năng lượng tái tạo đưa lên lưới.

Bộ Công thương cũng đã giao các đơn vị nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng kết hợp với pin lưu trữ điện. Xác định tỉ lệ lắp đặt lưu trữ phù hợp về kỹ thuật, giá thành hợp lý của hệ thống điện.

Được biết, hiện chi phí đầu tư điện mặt trời có kèm pin lưu trữ (bao gồm tấm quang điện (pin mặt trời) và pin lưu trữ) hiện có mức giá dao động từ 18 - 25 triệu đồng/kWh. Riêng bộ pin lưu trữ gồm pin lưu trữ, inverter hybrid, tủ điện, phụ kiện… có giá dao động khoảng 50 - 60 triệu đồng/hệ 5 kWh (công suất trung bình phổ biến). Như vậy, để sở hữu hệ thống pin mặt trời và bộ pin lưu trữ 5 kWh, hộ gia đình đầu tư khoảng 100 triệu đồng. So với mức giá năm 2019, giá tấm pin mặt trời nay giảm nhiều, thấp hơn 25 - 30%.

Ông Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia năng lượng đánh giá đây là chính sách đôi bên cùng có lợi. Thực tế, từ sau năm 2020, khi chính sách giá FIT hết hiệu lực, không cho phát điện lên lưới nữa, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đã đầu tư kèm pin lưu trữ để sử dụng vào lúc không có ánh nắng mặt trời, đêm, ngày mưa… Ước tính khoảng 30 - 40% người lắp điện mặt trời có kèm pin lưu trữ từ sau 2020 đến nay. Nếu có chính sách ưu đãi cụ thể, giá mua tốt, chắc chắn tỷ lệ đầu tư pin lưu trữ để bán giờ cao điểm sẽ tăng mạnh, có thể lên 70 - 80% trên tổng nhà đầu tư điện mặt trời trong tương lai.

"Hiện chi phí đầu tư pin lưu trữ giảm mạnh, công nghệ ngày càng cải tiến tốt hơn, giá tấm pin mặt trời cũng giảm… đã và đang hỗ trợ cho việc lắp pin lưu trữ gia tăng. Pin lưu trữ giúp ổn định lưới điện tốt hơn và nguồn điện cũng được cải thiện hơn. Đây là chính sách hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này, vừa hạn chế những rủi ro xảy ra đối với Quy hoạch điện 8, vừa khuyến khích được người dân sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, giúp cho nguồn điện, lưới điện trên cả nước được ổn định hơn và cải thiện ngày một tốt hơn", ông Nguyễn Quốc Việt phân tích.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cũng bày tỏ sự đồng tình điều này, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nên có bổ sung quy định kèm theo. Ví dụ các hộ lắp điện mặt trời mái nhà có công suất từ 1 MW trở lên, phải lắp song song pin lưu trữ. Có pin lưu trữ giúp tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí sản xuất điện nói chung.

Đầu tư pin lưu trữ tốt hơn là mua điện ở nước ngoài

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết, hệ thống điện của chúng ta đã cần có pin lưu trữ (BESS) cả ở mức doanh nghiệp cung cấp điện năng lượng tái tạo, lẫn mức lưới điện quốc gia. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng cần cập nhật thêm dịch vụ hỗ trợ của BESS trong các quy định hiện hành.

Quy hoạch điện VIII đã tính toán đến tỷ lệ tích hợp cao của năng lượng tái tạo (NLTT) vào hệ thống điện, nên dự tính đến năm 2030 hệ thống điện Việt Nam phải có 2.700 MW lưu trữ năng lượng, trong đó 2.400 MW là thủy điện tích năng và 300 MW là pin lưu trữ.

Trong 2.400 MW thủy điện tích năng, đến nay mới chỉ thấy Thủy điện Tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW đang được xây dựng ở bước ban đầu. Nhà máy còn lại chưa hình thành dự án nên khó có thể đi vào hoạt động vào năm 2030. Như vậy, pin lưu trữ điện với ưu điểm triển khai nhanh, đặt được ở nhiều nơi, có thể sẽ cần công suất lớn hơn kế hoạch 300 MW để bù đắp sự thiếu hụt của thủy điện tích năng.

"Trong thực tế khi thiếu điện, EVN phải mua điện từ nước ngoài, đầu tư lưới để đưa điện về hay huy động nguồn điện chạy bằng dầu…; tất cả đều có giá thành rất cao. Thế nên, nếu người dân đầu tư pin lưu trữ, bán cho EVN bằng giá huy động khung giờ cao điểm, vẫn tốt hơn các nguồn kia. Đây là phương án bảo đảm lợi ích hài hòa cho EVN, Bộ Công thương và đầu tư điện mặt trời mái nhà", chuyên gia Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhấn mạnh, nếu có chính sách rõ ràng cụ thể, mua điện mặt trời được lưu trữ bằng pin với giá thế nào…, chắc chắn cục diện bức tranh về đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, theo xu hướng thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các thành phần như tấm pin, thiết bị lưu trữ, ắc quy. Điều này dẫn đến chất lượng các hệ thống chưa được kiểm soát chặt, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn, phòng cháy chữa cháy, ổn định chất lượng điện năng. Việc đấu nối lưới để mua bán có thể gây mất an toàn cho lưới, do đó cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thiết bị, phòng cháy chữa cháy, quy trình nghiệm thu, kiểm tra bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dien-mat-troi-on-dinh-nho-pin-luu-tru-nguoi-dan-co-loi-khi-dau-tu-nang-luong-sach-16924083116013951.htm