Điện tăng giá, xi măng liệu có 'đuổi theo'?
Việc giá điện tiếp tục tăng đang tạo sức ép lớn lên các ngành sản xuất, đặc biệt là xi măng - khách hàng sử dụng điện lớn.

Sản xuất xi măng tại Công ty cổ phần xi măng La Hiên - VVMI. Ảnh tư liệu: Hoàng Nguyên/TTXVN
Giá điện bán lẻ bình quân tại Việt Nam chính thức tăng thêm 4,8%, lên mức hơn 2.204 đồng/ kWh (chưa bao gồm VAT) tính từ ngày 10/5. Đây là điều chỉnh giá mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau hơn 7 tháng với mức tăng tương tự là 4,8% vào ngày 11/10/2024. Việc giá điện tiếp tục tăng đang tạo sức ép lớn lên các ngành sản xuất, đặc biệt là xi măng - khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo thống kê, kể từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã bốn lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền với mức tăng lần lượt 3%, 4,5%, 4,8% và lần mới nhất này tiếp tục ở mức 4,8%. Nếu tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.
Ông Nguyễn Đình Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai cho rằng, điện tăng giá cũng hoàn toàn phù hợp khi các chi phí đầu vào tăng lên. Mặc dù đã tự chủ khoảng 30% lượng điện sản xuất, nhưng lượng tiêu thụ điện mua ngoài của VICEM Hoàng Mai vẫn còn rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tính toán để cơ cấu lại sản xuất, tối ưu hơn để tiết giảm chi phí.
Không đợi đến khi điện tăng giá các nhà sản xuất xi măng mới điều chỉnh tăng giá bán mà ngày từ đầu năm 2025 đến nay đã có biến động giá từ phía nhà sản xuất. Mới nhất là ngày 22/4/2025, nhiều doanh nghiệp xi măng như VICEM Bỉm Sơn, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Mai, The Vissai, Xuân Thành và Vĩnh Sơn đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn đối với cả xi măng bao và xi măng rời… Hiện giá xi măng đang ở mức trung bình khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/tấn.
Các nhà sản xuất lý giải, do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu liên tục tăng cao nên họ phải điều chỉnh giá bán để cân đối giá thành sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, đây đã là lần tăng giá bán xi măng thứ 3 tính từ đầu năm 2025 đến nay. Việc điều chỉnh tăng giá được các nhà sản xuất xi măng đồng loạt thực hiện ở thời điểm tháng 1, tháng 3 và cuối tháng 4/2025 nhằm giảm áp lực chi phí sản xuất tăng cao.
Bởi vậy, trước động thái điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 10/5 đang đặt ra câu hỏi liệu giá xi măng có phải “đuổi theo” giá điện, nhất là trong bối cảnh 3 năm liên tiếp nhóm doanh nghiệp này phải đối mặt với khó khăn và “chìm” trong lỗ kéo dài.
Ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) phân tích, điện chiếm khoảng 15% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng. Sản xuất clinker là khâu tiêu tốn điện năng nhất và khiến các nhà sản xuất đau đầu. Cùng đó, giá các nguyên liệu đầu vào khác như than, xăng dầu và chi phí vận tải vẫn neo ở mức cao.
Điều này khiến các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhải tìm cách tiết giảm chi phí, nếu không muốn tiếp tục bị bào mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng - ông Long nhận xét.
Trong khi đó, nhu cầu xi măng trong nước tuy có dấu hiệu mục hồi nhẹ sau thời gian dài trầm lắng nhưng cũng chưa đủ để hấp thụ toàn bộ phần chi phí phát sinh từ việc giá điện tăng.
Bởi vậy, ông Long dự báo, việc điều chỉnh tăng giá bán xi măng là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới, nhất là khi nguyên liệu đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành này khi hoạt động kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai lại cho rằng, mấu chốt căn bản cần giải quyết để gỡ khó cho ngành xi măng vẫn nằm ở chỗ mất cân đối cung cầu. Kể cả có tăng giá 3 lần vừa qua thì cũng không giải quyết được vấn đề gì vì cung - cầu quyết định cuộc chơi. Việc tăng giá chỉ giúp làm chậm đà suy giảm.
Với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay, dù không muốn nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng phải chấp nhận việc tăng giá điện và phải tìm cách thích ứng với điều này.
Theo VNCA, các nhà sản xuất xi măng phải tính toán lại vấn đề sản xuất, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn. Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, ngành xi măng đã đặt ra nhiều giải pháp như tự cung cấp một phần điện năng và sử dụng một số nhiên liệu thay thế.
Hiện nhiều doanh nghiệp xi măng trong ngành đang nỗ lực tìm cách ứng phó. Nhiều nhà máy chọn chuyển đổi lịch sản xuất để tranh thủ giá điện thấp vào giờ thấp điểm. Tuy nhiên, giải pháp bền vững hơn đang được hướng đến là tận dụng nhiệt thải từ lò nung để phát điện.
Theo tính toán, hệ thống phát điện từ nhiệt dư có thể giúp một nhà máy xi măng tự chủ từ 30% - 40% nhu cầu điện năng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn hỗ trợ quá trình giảm phát thải khí nhà kính, một mục tiêu kép trong bối cảnh ngành công nghiệp nặng ngày càng chịu ràng buộc bởi các tiêu chuẩn môi trường.
Tuy nhiên, đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt dư đòi hỏi vốn lớn, và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để triển khai. Trong khi đó, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió trong ngành xi măng vẫn còn rất hạn chế.
VNCA cho biết đã đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện tái tạo phục vụ sản xuất, một bước đi quan trọng nếu Việt Nam muốn phát triển ngành xi măng theo hướng bền vững, hiệu quả và ít phụ thuộc hơn vào lưới điện quốc gia.
Cùng với tối ưu hóa vận hành, đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng thì chuyển dịch dần sang các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là chiến lược không thể trì hoãn đối với ngành xi măng - VNCA nhấn mạnh.