Diện tích rừng lớn nhưng phát triển thị trường carbon ở Việt Nam không dễ
Theo chuyên gia, Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon song không dễ để kiểm kê số lượng và bán với số liệu chính xác.
Tiềm năng lớn nhưng không dễ thu tiền
Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ...
Trong năm 2023, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD.
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018-2019. Cụ thể, sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ ERPA đã ký, lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. Trong số 5,9 triệu tấn carbon còn dư, Bộ NN&PTNT muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại có thể thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, có lẽ khi nói đến thị trường carbon, rất ít người có thể thực sự hiểu rõ về nó.
"Ai cũng thích bán, thế nhưng bán giá bao nhiêu? Bán cho ai? Ai mua? Mua như thế nào? Rõ ràng, đây là cả vấn đề lớn. Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ ERPA mang về hợp đồng 51,5 triệu USD. Song, chúng ta cần phải hiểu đây là dự án của WB. Họ chứng minh được dự án này giảm được hơn 10 triệu tấn phát thải carbon. Còn đối với chúng ta, nếu muốn bán lượng giảm phát thải carbon thì ta phải chứng minh được bằng số liệu thực tế, tại sao lại giảm? Tính toán như thế nào? Sử dụng cơ sở dữ liệu nào để tính toán?
Việc tính toán lượng giảm phát thải carbon không dễ. Chúng ta phải chi tiền công cho họ. Để có thể đưa lượng giảm phát thải carbon ra thị trường, cần phải mời chuyên gia quốc tế, hoặc một tổ chức có uy tín chuyên tính toán lượng giảm phát thải carbon thực hiện. Chúng ta có thể tham gia cùng với họ, trong quá trình đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ (nếu được), nắm rõ quốc tế họ sử dụng thông số nào, thời gian thực nào, không gian nào, cân đo đóng đếm thế nào? Đây là những điều cơ bản nhưng rất quan trọng", GS Hoàng Xuân Cơ nói.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, để tính toán ra được hạn mức phát thải phù hợp phải có một đội ngũ nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Khi nhà nước quy định hạn ngạch phát thải cụ thể mới phát sinh giao dịch. Bên cạnh đó, việc kiểm kê khí nhà kính của chúng ta còn nhiều bất cập, nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu thì sẽ rất khó để thực hiện bước tiếp theo.
Việt Nam được xác định có tiềm năng thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đó tạo tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp này Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ của quốc tế qua việc đầu tư tài chính, công nghệ; đồng thời cần nâng cao chất lượng kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm phát thải.
Trên thực tế, các quốc gia phát triển đều đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và họ cũng xác định để đạt được sẽ cần bù đắp bằng tín chỉ carbon từ các quốc gia khác. Do đó, chúng ta phải xác định để nhận được tài chính, công nghệ thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính thì sẽ phải chia sẻ quyền sở hữu tín chỉ carbon thu được để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bên cạnh đó, để có thể tạo ra được tín chỉ carbon và cạnh tranh được trên thị trường, các dự án phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của các cơ chế, phải áp dụng theo đúng phương pháp luận, áp dụng biện pháp đo đạc giám sát dữ liệu theo quy định và đặc biệt phải chứng minh dự án đã giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính, có tính bổ sung, được thẩm định bởi đơn vị độc lập được cấp phép. Các doanh nghiệp phải trả chi phí cao để thuê đơn vị thẩm định.
Cần có sàn giao dịch tín chỉ carbon
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, việc thí điểm đấu giá lượng giảm phát thải khí nhà kính thông qua các sàn giao dịch quốc tế là cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Theo ông Tùng, hiện nay Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon, chưa có khung pháp lý, cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon. Tuy nhiên, trong tương lai việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong đó, quy định chi tiết một số điều về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo lộ trình, đến hết năm 2027 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon;
Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Đến năm 2028, có thể tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, đồng thời đưa ra quy định cụ thể cho các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
"Rõ ràng, việc thí điểm đấu giá lượng giảm phát thải khí nhà kính thông qua các sàn giao dịch quốc tế sẽ là cơ hội để chúng ta học hỏi thêm kinh nghiệm từ quốc tế. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, sẵn sàng chuẩn bị những thủ tục cần thiết, hướng tới tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức vào năm 2028.
Bên cạnh đó, khi đấu giá thành công lượng giảm phát thải khí nhà kính, chúng ta sẽ có thêm nguồn thu để phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh. Điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu rất nhiều nguồn lực về tài chính xanh", TS. Hoàng Dương Tùng phân tích.
Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Mô hình tín chỉ carbon sẽ khuyến khích tăng cường trồng và bảo vệ rừng, các doanh nghiệp sẽ hạn chế lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Việc xây dựng thị trường carbon sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường carbon trong nước, chúng ta cần xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về phát thải khí nhà kính, đặc biệt là dữ liệu của những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn. Bên cạnh đó, cần những cơ chế, chính sách cụ thể, linh hoạt, để phát triển thị trường carbon trong tương lai gần.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO₂) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO₂. Việc mua bán sự phát thải khí CO₂ hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.
Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.