Diều Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 12/4, tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Hội diều làng Bá Dương Nội'; bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội 'Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội'.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, Làng Bá Dương Nội được biết đến là địa phương duy nhất trên cả nước có Hội Diều gắn liền với miếu thờ Thần Linh Châu Thổ, nâng tầm di sản văn hóa với đầy đủ niêm luật, nghi thức truyền thống vô cùng độc đáo và riêng biệt.

Các đại biểu dâng hương tại di tích miếu Diều.

Các đại biểu dâng hương tại di tích miếu Diều.

Nhận thức công tác bảo tồn Di sản văn hóa Việt nam, ông Đức nhấn mạnh, nghề làm Diều sáo ở làng Bá Dương Nội nhất là Câu lạc bộ Diều sáo của xã được thành lập và hoạt động hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong làng có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề làm Diều sáo. Đây niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Đan Phượng, đặc biệt là Nhân dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.

"Trong thời gian tới, huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là Hội Diều và nghề làm Diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chủ động vận dụng, cụ thể hóa sáng tạo, linh hoạt để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống vào điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương", Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định.

Làng Bá Dương Nội đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội Diều làng Bá Dương Nội” và bằng công nhận nghề truyền thống Hà Nội.

Làng Bá Dương Nội đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội Diều làng Bá Dương Nội” và bằng công nhận nghề truyền thống Hà Nội.

Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Từ xa xưa, người dân làng Bá Dương Nội đều thành thạo trong việc chế tác ra những chiếc diều sáo với đủ kích cỡ. Điểm độc đáo, nổi bật (duy nhất) ở Hội diều làng Bá Dương Nội là lễ hội thi thả diều gắn với một di tích (miếu Diều) thờ Thần Linh Châu Thổ, được thực hiện đầy đủ theo nghi thức tế lễ truyền thống.

Từ bề dày lịch sử đó, huyện Đan Phượng định hướng đầu tư bảo tồn di tích miếu Diều và tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, để di tích trở thành tài nguyên nhân văn, có tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Tập trung nghiên cứu, quy hoạch không gian văn hóa, không gian thực hành, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và nghề truyền thống Hà Nội, hướng tới quy hoạch làng Bá Dương Nội có thể trở thành một trong những “không gian văn hóa sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Nhiều hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội.

Nhiều hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội.

Trong khuôn khổ buổi lễ, ngoài Hội thi thả Diều sáo truyền thống tại miếu di tích miếu Diều còn có các hoạt động khác như: Trang trí con đường Diều sáo “Hành trình kết nối”; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô như sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tò he, chuồn chuồn tre, ô mai, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, nem phượng, phở Nam Nhất, tỏi đen, tinh dầu, sữa ba Vì….; trưng bày triển lãm Diều sáo, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về Diều sáo; trưng bày giới thiệu các cây cảnh nghệ thuật; tổ chức Hội nghị tổng kết tu bổ, tôn tạo miếu Diều; tổ chức diễu hành quảng bá Diều sáo quanh huyện Đan Phượng bằng xe ô tô, xe máy; tổ chức Hội thi ẩm thực, hội thi giã bánh dày truyền thống; thi đấu cờ tướng; thi diều thiếu niên,...

Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội diễn ra trong ba ngày, ngày 14 đến ngày 16 tháng Ba âm lịch, trong đó chính hội là ngày 15 tháng Ba, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.

Phùng Linh - Trọng Tài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-ba-duong-noi-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post1733086.tpo