Điều chỉnh định hướng và mục tiêu

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng đến những quốc gia nhỏ nhưng dồi dào tài nguyên ở châu Phi

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo 5 quốc gia Tây Phi là Liberia, Gabon, Senegal, Guinea-Bissau, Mauritania trong tuần này là động thái đối ngoại nổi bật mới sau khi ông chủ Nhà Trắng làm trung gian hòa giải thành công cho Rwanda và CHDC Congo.

Ở cả nhiệm kỳ tổng thống trước cũng như từ khi trở lại cầm quyền đến nay, ông Donald Trump trên thực tế không coi trọng và không dành ưu tiên chính sách cho quan hệ với các nước ở châu Phi, bất chấp thực tế châu lục này đang trở thành một chiến địa ganh đua ảnh hưởng và khai thác lợi ích chiến lược giữa không ít đối tác bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Nga, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) hay Ấn Độ. Ở nhiệm kỳ trước của mình, Tổng thống Donald Trump đã dùng những ngôn từ không mấy tốt đẹp khi nói về các nước châu Phi.

Vì thế, hai động thái đối ngoại trên của ông Donald Trump gây bất ngờ không nhỏ ở châu Phi lẫn trên thế giới. Khác với các đối tác như Pháp hay Trung Quốc, chính quyền ông Donald Trump cho đến nay chưa biểu lộ chiến lược nhất quán và rõ ràng đối với châu Phi. Nhưng so với nhiệm kỳ đầu và với những người tiền nhiệm thì các động thái đối ngoại của Tổng thống Donald Trump đối với châu Phi có những nét rất khác, đặc biệt trên những phương diện sau.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo 5 nước Liberia, Gabon, Senegal, Guinea-Bissau, Mauritania tại Nhà Trắng hôm 9-7. Ảnh: AP

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo 5 nước Liberia, Gabon, Senegal, Guinea-Bissau, Mauritania tại Nhà Trắng hôm 9-7. Ảnh: AP

Thứ nhất, ông Trump chuyển hẳn từ tập trung vào viện trợ phát triển sang trao đổi thương mại. Các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất và tiêu cực nhất bởi quyết định của ông Donald Trump nhằm cắt giảm tới 80% viện trợ phát triển của Mỹ cho thế giới. Thực chất ở đây là sự chuyển dịch từ việc Mỹ làm lợi cho các quốc gia châu Phi sang việc Mỹ được lợi gì từ các quốc gia châu Phi.

Chiến lược của Trung Quốc, Pháp và các đối tác khác đối với châu Phi đa phần đều ngược lại, đều trước hết dùng việc thể hiện có lợi và làm lợi cho các quốc gia châu Phi để tranh thủ họ, từ đó xây dựng, củng cố và tăng cường ảnh hưởng và vị thế trên châu lục.

Thứ hai, ông Donald Trump nhằm trước hết vào những quốc gia nhỏ chứ không phải những nước lớn ở châu Phi để hợp tác - như Rwanda, Congo hay 5 quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, tất cả những nước này đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu cung ứng của Mỹ và giúp Washington bớt lệ thuộc vào các nguồn cung ứng xưa nay, đặc biệt về đất và kim loại quý hiếm. Các quốc gia này cũng tranh thủ ông Donald Trump bằng mời chào Mỹ đầu tư cùng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ.

Thứ ba, tổng thống Mỹ hiện không thấy có ý định hoặc chưa có ý định từng bước thể chế hóa quan hệ của Mỹ với các quốc gia châu Phi như Trung Quốc, Pháp hoặc các đối tác khác đã và đang triển khai. Ở đây thể hiện cách tiếp cận hiện tại của ông Donald Trump là tập trung vào điểm chứ không phải vào diện, không tự gò bó chính mình trong khuôn khổ được xác định trước mà tùy theo ý tưởng và sáng kiến cụ thể.

Mỹ có lợi ích an ninh ở châu Phi nhưng điều này xem ra hiện không chi phối trước hết quan điểm chính sách của ông Donald Trump đối với các quốc gia tại đó. Tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp trên châu lục này không còn là mục tiêu được Mỹ ưu tiên hàng đầu. Định hướng chính sách đối với các nước châu Phi xem ra đã được Mỹ điều chỉnh và mục tiêu nhằm tới cũng vậy, thể hiện rất rõ những hàm ý cốt lõi của câu từ và tinh thần khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Donald Trump.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dieu-chinh-dinh-huong-va-muc-tieu-196250712204032085.htm