'Điều chỉnh giá điện linh hoạt như giá xăng dầu, quan trọng nhất là minh bạch'
Theo chuyên gia, việc bổ sung quy định giảm giá khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh xuống 3 tháng một lần sẽ giúp giá điện bình quân có tăng, giảm và sát thị trường hơn.
Giá điện cũng được điều chỉnh như giá xăng dầu
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá giá bán lẻ điện bình quân.
Theo dự thảo, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.
Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Bộ Công Thương cũng đề xuất, nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được cơ quan này chấp thuận thì sẽ tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Cũng theo dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện nay.
Theo PGS. TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội), sửa cơ chế giá bán lẻ điện bình quân theo hướng có tăng và giảm với biên độ cụ thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường điện. Thực tế, nhu cầu sử dụng điện chỉ tăng mà không giảm, giá theo thị trường sẽ giúp EVN có lãi, đảm bảo nguồn lực đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất và truyền tải điện. Giá cạnh tranh cũng thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân, FDI vào lĩnh vực này khi nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng qua từng năm.
Khi điều chỉnh theo thị trường, giá điện sẽ có chênh lệch lớn giữa mùa khô và mưa. Vào mùa mưa, tỷ trọng huy động thủy điện tăng cao, chi phí sản xuất giảm do đây là nguồn giá thấp so với các nguồn điện khác trong hệ thống, nên việc giảm giá bán lẻ bình quân có thể xảy ra. Ngược lại, vào mùa khô hay khi thị trường năng lượng thế giới biến động, chi phí nguyên liệu (than, khí) tăng vượt mức khung cho phép, giá bình quân sẽ điều chỉnh. Cộng với biểu giá điện bậc thang như hiện tại, những hộ dùng nhiều sẽ phải trả giá cao.
Nên bỏ giá điện bậc thang
Từ năm 2017, khi giá điện bình quân áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá bán điện bình quân xem xét 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm (2017-2023), giá điện bình quân mới trải qua 4 lần điều chỉnh, trong đó 2 lần điều chỉnh tăng (2019 và 2023).
Theo PGS.TS Trần Văn Bình, thực tế điều hành giá điện không phải do lỗi ở chính sách, hay Quyết định 24/2017 mà do cách điều hành giá điện hiện nay không tuân thủ đúng với nguyên tắc thị trường. Tại sao 6 tháng không xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ được là bởi nếu EVN hoặc các bên đưa ra mức giá bán lẻ điện bình quân tăng, đề xuất tăng giá thì Nhà nước lại muốn không tăng, duy trì giá điện thấp để có tăng trưởng, kìm giữ lạm phát.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là cách tính giá điện theo biểu giá 5 bậc. Khi tính biểu giá điện ở các cấp bậc khác nhau đã đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất để tiết kiệm điện. Thứ hai để bù chéo giữa những hộ tiêu dùng nhiều và những hộ tiêu dùng ít.
Nhưng thực tế, thời gian qua, vấn đề tiết kiệm điện là do phong trào vận động, không phải là kết quả của việc dùng giá điện cao khiến người dân tiết kiệm điện. "Tôi lấy ví dụ, một chung cư cao cấp sẵn sàng thuê máy phát điện với chi phí 200 triệu đồng/ngày, giá rất cao, nhưng họ vẫn sẵn sàng làm cho cư dân của mình. Vì vậy, không nên lấy biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang để "ép" người tiêu dùng. Về vấn đề bù chéo lẫn nhau. Những người tiêu dùng nhiều điện phải bù cho những người tiêu dùng ít. Việc bù trừ như vậy không đúng theo quy luật thị trường", TS Ngô Đức Lâm nói.
Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều (phải trả tiền nhiều), lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 Kwh cho giá điện bậc 5), phải trả tiền nhiều hơn nữa. Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả.
"Có thể việc bù chéo lại sinh lợi cho bên bán điện. Vì vậy, theo tôi, việc áp dụng giá điện nhiều bậc ở Việt Nam hiện tại là chưa hợp lý. Biểu giá điện 1 giá là công bằng nhất, dễ nhất, nhà nào cũng biết. Giá điện bình quân công bố, giá nhà nước bán, mỗi gia đình dùng bao nhiêu... đều rất rõ ràng. Khi đó việc điều chỉnh giá điện cũng linh động theo thị trường, giống như xăng dầu. Quan trọng nhất là minh bạch chi phí đầu vào để có giá điện phù hợp", TS Ngô Đức Lâm đề xuất.
Cũng theo ông Lâm, chúng ta có 3 bước của thị trường điện lực: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Phát điện cạnh tranh mặc dù đã có nhưng cần sòng phẳng với nhau hơn. Ví dụ như các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió vừa qua, họ rất muốn phát điện lên lưới nhưng... chật vật lắm. Còn thị trường bán buôn điện cạnh tranh chưa hoàn thành. Bán lẻ điện cạnh tranh là quá trình lâu dài hơn. "Theo dự kiến, đến năm 2024 sẽ bắt đầu hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đi vào thí điểm. Thế nhưng bán buôn chưa xong thì nói gì đến bán lẻ điện cạnh tranh", TS Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.