Điều chỉnh kịp thời, phù hợp

Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đây không phải là vấn đề mới, bởi thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ nhiều bất cập, mà lớn nhất là mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với biến động liên tục của mặt bằng chi phí tiêu dùng, dẫn tới thiếu công bằng cho người nộp thuế.

Từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ gia cảnh đã tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc. Việc tăng mức giảm trừ đã giúp người nộp thuế từ tiền công, tiền lương giảm bớt khó khăn do giá cả, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng vẫn còn gây nhiều băn khoăn.

Thực tế hiện nay, hầu hết giá các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng. Chi phí sinh hoạt ngày càng cao hơn, hiện diện rõ trong đời sống hằng ngày. Có ý kiến đại biểu Quốc hội ước tính, chi phí sinh hoạt tăng từ 20% đến 30% nhưng thu nhập không tăng thậm chí giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến mức giảm trừ gia cảnh không đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Và cũng chưa hợp lý ở chỗ, mức giảm trừ này áp dụng chung trong khi chi phí sinh hoạt ở từng khu vực lại khác nhau. Mức 4,4 triệu đồng/tháng để nuôi một trẻ nhỏ ăn học ở đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là điều vô cùng khó. Hoặc 11 triệu đồng cho một trụ cột gia đình chi tiêu trong một tháng chắc chắn sẽ thiếu hụt (chưa kể nhiều khoản chi tiêu đột xuất chưa được tính đến). Thuế thu nhập cá nhân là công cụ điều tiết thu nhập xã hội, khi tình hình thực tế thay đổi mà các mức giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời là thiếu công bằng với người nộp thuế.

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân rất lo lắng trước những bất ổn của tình hình thế giới tác động đến kinh tế - xã hội trong nước. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên việc làm và thu nhập sụt giảm. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định. Trước tình hình này, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập. Trong đó, về tài chính, có chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp nhiều loại thuế, phí. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% với nhiều lĩnh vực.

Việc giảm thuế, phí được coi là giải pháp hiệu quả, có tác động rộng và tích cực đến mọi lĩnh vực. Vì vậy, việc xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh với sắc thuế thu nhập cá nhân cũng là giải pháp thiết thực giúp người làm công hưởng lương giảm bớt khó khăn, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng bằng việc tăng mức chi tiêu, góp phần kích thích thị trường trong nước phát triển hơn.

Theo lộ trình, phải đến năm 2025 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Song với những thay đổi về giá cả, thu nhập, đời sống, có lẽ để đến năm 2025 mới xem xét sẽ là quá chậm trễ. Mức giảm trừ gia cảnh, các bậc tính thuế sẽ càng lạc hậu và không phù hợp với thực tế.

Quy định do chúng ta đặt ra để phục vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Thuế thu nhập cá nhân liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của người dân nên cần phải được xem xét, điều chỉnh kịp thời khi mà quy định không còn phù hợp với thực tế.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dieu-chinh-kip-thoi-phu-hop-443072.html