Đồng bào dân tộc thiểu số ở Huế kỳ vọng trước thời khắc 'lịch sử'
Những kỳ vọng được bà con dân tộc thiểu số ở Huế gửi gắm trước thời khắc Quốc hội quyết định địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thống kê, Thừa Thiên – Huế có 24 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Tổng số đồng bào dân tộc thiểu số có 56.906 người, chiếm tỉ lệ gần 5% so với dân số toàn tỉnh, bao gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác.
Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tăng cường nguồn lực đầu tư toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; đồng bào các dân tộc đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh, cần cù, sáng tạo trong lao động, tham gia và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội.
Điển hình như ở A Lưới, trước đây huyện này là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Bởi vậy, trên hành trình hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, việc giải bài toán thoát nghèo ở khu vực huyện miền núi A Lưới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền địa phương này tập trung chú trọng.
Và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vào tháng 9/2024, A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc công nhận thoát nghèo năm 2024, vượt trước kế hoạch đề ra 1 năm- tạo tiền đề để Thừa Thiên-Huế tự tin trước “ngưỡng cửa” trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước thời khắc quan trọng Quốc hội quyết định thành lập Tp.Huế trực thuộc Trung ương, ngoài hồi hộp, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới còn gửi gắm rất nhiều kỳ vọng khi địa phương được ở vào vị thế mới.
Ông A Viết Cầm (SN 1960), người dân tộc Tà Ôi là một già làng - người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tu Vay, xã Hồng Thái, huyện A Lưới chia sẻ, không phải cứ đợi lên thành phố trực thuộc Trung ương mà từ trước đến nay, đồng bào dân tộc ở đây đã luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt như: Điện đường, trường trạm, vay vốn làm ăn, xóa nhà tạm, hỗ trợ con giống, vật nuôi… Nhờ thế đời sống người dân đã dần thay đổi, nhiều hộ đã đủ ăn, đủ mặc và bắt đầu nâng cao đời sống tinh thần.
Ông A Viết Cầm cho rằng, một khi địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những sự đầu tư, hỗ trợ với đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ nhiều hơn, tốt hơn và quy mô hơn.
Tuy nhiên, già làng A Viết Cầm cũng lo ngại, một khi được sự hỗ trợ quá nhiều từ Nhà nước sợ một bộ phận nhỏ người dân tộc thiểu số sẽ mang tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt khi triển khai công tác giảm nghèo, tâm lý ỷ lại của một số người dân đã khiến việc này gặp không ít khó khăn.
Chính vì vậy, ông A Viết Cầm kỳ vọng, một khi đã là người dân của địa phương trực thuộc Trung ương thì những nếp nghĩ này cần phải thay đổi, thông qua việc chính quyền phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến về nhận thức, phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong khi đó, Trưởng thôn Hồ Văn Lứa (SN 1988), một người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn A Đên, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới chia sẻ, những tuyến đường bê-tông ở các bản làng vùng sâu, vùng xa từ lâu được Nhà nước đầu tư hiện đã xuống cấp, hư hỏng nên hi vọng, tới đây, khi Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục được địa phương quan tâm, khắc phục, sửa chữa.
Trưởng thôn Lứa cũng cho rằng, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều cố gắng vươn lên để không còn là hộ nghèo, tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì đời sống, thu nhập vẫn còn khó khăn. Cho nên, ông Lứa hi vọng, khi lên thành phố trực thuộc Trung ương thì dù đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát hộ nghèo những vẫn mong có những chính sách đặc thù về học phí, bảo hiểm y tế…
Về nguyện vọng chính sách đặc thù trong y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số sau khi thoát khỏi hộ nghèo, ở phiên thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, liên quan đến đối tượng hưởng bảo hiểm y tế, mong muốn được bổ sung thêm ba đối tượng. Thứ nhất là đối với dân tộc thiểu số ở vùng vừa thoát khỏi khu vực 3 và khu vực 2. Bởi họ vẫn là người dân tộc thiểu số nghèo khó.
Thứ hai là đối tượng thoát nghèo, là người dân vừa thoát ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo nhưng đang rất khó khăn. Theo tính toán, hằng năm cả nước có 300.000 người thuộc đối tượng này.
Cũng theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế, những kiến nghị, kỳ vọng của cử tri toàn tỉnh đã được đoàn báo cáo tổng hợp và chuyển đến kỳ họp. Đồng thời, khẳng định Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng với rất nhiều nội dung.
Và đối với Thừa Thiên Huế, kỳ họp này còn mang tính “lịch sử” khi quyết định thành lập Tp.Huế trực thuộc Trung ương.