Điều chỉnh những lĩnh vực đặc thù

Có tác động đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, bởi vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhận được sự quan tâm, tham góp ý kiến từ nhiều cơ quan và từ các đại biểu Quốc hội. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này (dự kiến ngày 16/6). Tuy nhiên, hiện quá trình thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 1/6. Ảnh: ĐĂNG ANH

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 1/6. Ảnh: ĐĂNG ANH

Chặt chẽ và chi tiết

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, rồi phải sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, cho đến năm 2019 tiếp tục được chỉnh lý một lần nữa, bởi, suốt hơn một thập niên ấy "luật khó đi vào cuộc sống". Và lần sửa đổi, bổ sung thứ ba này cách lần trước chưa đến ba năm, vẫn với lý do "muôn thuở" nhằm đáp ứng điều kiện phát triển mới của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ,…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 104 điều trên tổng số 222 điều của Luật hiện hành. Như thế, có tới gần một nửa nội dung của Luật phải điều chỉnh.

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung về nguồn gene, tri thức bản địa như Điều 86b và Điều 100d1; song vị đại biểu này cũng đề nghị, cần quy định chi tiết hơn nhằm đẩy mạnh phát triển và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm bản địa, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mang tính đặc thù địa phương, có tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. "Nếu luật không quy định chặt chẽ, Việt Nam sẽ dễ mất đi những nguồn gene sinh học quý hiếm và mất đi bản quyền giá trị khai thác từ những nguồn tài sản trí tuệ thiên nhiên này" -đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Tiếp đó, vấn đề kiểm soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, chuyên gia. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc quy định chặt chẽ quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam nhằm bảo đảm các sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước, thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia.

Khó định nghĩa "tài sản trí tuệ"?

Thảo luận tại hội trường sáng 31/5, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định khái niệm "tài sản trí tuệ", nên có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ.

Liên quan vấn đề, trước kỳ họp, văn bản góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Pháp luật Việt Nam đã có quy định cấm các hành vi mua bán dữ liệu người dùng, được thực thi bằng cả các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Tuy nhiên, việc coi dữ liệu cá nhân là bí mật kinh doanh, một dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ thì chưa rõ ràng. Nếu như trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình… thì trong kinh tế số tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm, dữ liệu, hệ thống thông tin, bản quyền sách, âm nhạc, phim, chương trình giải trí, nghệ thuật… Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung trên, ông Hoàng Thanh Tùng-Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, rất khó để có định nghĩa chung về tài sản trí tuệ, bởi đây là một lĩnh vực rộng, bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra, mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù, đặc trưng riêng. Tài sản trí tuệ được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, việc bảo hộ, bảo vệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định, gồm ba nhóm: quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng. Do vậy, việc bổ sung khái niệm "tài sản trí tuệ" rất khó để bảo đảm tính bao quát và cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động trong mối quan hệ với các luật có liên quan khác, như: Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… "Cơ quan tiếp thu, giải trình sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này", ông Tùng khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, một số chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ mong mỏi, Luật Sở hữu trí tuệ là một luật khó và có nhiều tính đặc thù, đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu cẩn trọng trước khi thông qua. Đặc biệt, để khắc phục những "lỗ hổng" của luật hiện hành, cần xem xét bổ sung vào Luật chế định ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trên môi trường số, bên cạnh việc sửa đổi Luật Điện ảnh, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số,… theo hướng bảo vệ quyền tài sản cá nhân, quyền sở hữu cá nhân với dữ liệu, bảo đảm và thúc đẩy các giao kết hợp đồng. Cùng với luật, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, song phải rõ ràng, tránh chồng chéo, nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, như đã diễn ra trên thực tiễn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, cả trước mắt và lâu dài.

KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thoi-su-chinh-tri/dieu-chinh-nhung-linh-vuc-dac-thu-699796/