Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên
Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, Thông tư mới có một số điểm điều chỉnh đáng chú ý.
Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng
Thời điểm ban hành các Thông tư 01-04, quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.
Vì vậy, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chứcdanh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.
Chỉ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung
Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (đã được thay thế bởi Thông tư 01-04), tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.
Không yêu cầu giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ
Theo quy định tại Thông tư số 02,03, giáo viên tiểu học, Trung học Cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Thời điểm ban hành Thông tư số 02,03, cấp Tiểu học chưa có giáo viên hạng I do đây là hạng mới bổ sung so với quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Tuy nhiên, một số giáo viên Trung học Cơ sở hạng I cũ do chưa có bằng thạc sĩ theo quy định nên tạm thời bổ nhiệm chứcdanh nghề nghiệp giáo viên Trung học Cơ sở hạng II mới. Các trường hợp này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học Cơ sở hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (chi tiết tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT). Mặc dù việc bổ nhiệm tạm thời vào chức danh giáo viên Trung học Cơ sở hạng II mới không phải là “rớt hạng” mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên Trung học Cơ sở.
Nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở và nhận thấy việc quy định giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở hạng I là đại học.
Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông và quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.
Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm
Quy định về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III là 9 năm tại Thông tư số 02 đảm bảo tuân thủ quy định về thời gian tối thiểu làm việc trong ngạch theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III (theo bảng lương của viên chức loại A0 với hệ số lương khởi điểm là 2,10) và hạng II (theo bảng lương của viên chức loại A1 với hệ số lương khởi điểm là 2,34) không nhiều, nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non.
Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thời gian giữ chứcdanh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác (ví dụ như quy định thời gian giữ ngạch cán sự là 3 năm theo Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ). Tuy nhiên, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm để đảm bảo tuân thủ quy định của Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, thống nhất với quy định thời gian giữ hạng III đối với giáo viên phổ thông và quy định thời gian giữ ngạch, hạng đối với các chức danh cùng được áp dụng bảng lương của công chức, viên chức loại A1 khác.
Không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới
Các Thông tư 01-04 quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công. Tuy nhiên, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chứcdanh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng. Để khắc phục tình trạng này ở một số địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.
Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.
Bên cạnh đó cần lưu ý, tại Thông tư 01-04, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐ còn bổ sung thêm các điều khoản chuyển tiếp, điều khoản áp dụng để địa phương thuận lợi hơn trong công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên.
Để ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ, giúp đội ngũ giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai chương trình giáo dục đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các quy định điều chỉnh và hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐ có hiệu lực thi hành.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.