Điều gì châm ngòi cho những bạo lực gần đây ở Sudan?

Căng thẳng đã âm ỉ trong nhiều tuần giữa hai vị tướng quyền lực nhất của Sudan, những người chỉ mới 18 tháng trước đó đã cùng dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự nhằm làm chệch hướng quá trình chuyển đổi dân chủ của quốc gia này.

Nguồn cơn của xung đột

Cuối tuần qua, căng thẳng giữa người đứng đầu lực lượng vũ trang, Tướng Abdel-Fattah Burhan, và người đứng đầu nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, đã dẫn đến một trận chiến chưa từng có để giành quyền kiểm soát quốc gia giàu tài nguyên hơn 46 triệu người.

Cả hai bên, mỗi bên có hàng chục nghìn quân được triển khai ngay tại thủ đô Khartoum, thề sẽ không đàm phán hay ngừng bắn, bất chấp áp lực ngoại giao toàn cầu đang gia tăng. Đó là một thất bại chết người đối với một quốc gia nằm ở ngã tư của thế giới Ảrập và Châu Phi, mà bốn năm trước đã chấm dứt sự cai trị của một nhà độc tài lâu năm thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa của quần chúng.

Khói bốc lên ở trung tâm Khartoum - Ảnh: AP

Khói bốc lên ở trung tâm Khartoum - Ảnh: AP

Trong những tháng gần đây, các cuộc đàm phán đã được tiến hành để đưa Sudan quay trở lại quá trình chuyển đổi dân chủ, vốn đã đã bị đình trệ bởi cuộc đảo chính tháng 10.2021.

Dưới áp lực ngày càng tăng của quốc tế và khu vực, các lực lượng vũ trang và RSF đã ký một thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12 năm ngoái với các nhóm ủng hộ dân chủ và dân sự. Nhưng thỏa thuận do quốc tế làm trung gian chỉ đưa ra những nét khái quát, khiến những vấn đề chính trị gai góc nhất vẫn chưa được giải quyết.

Trong các cuộc đàm phán quanh co để đạt được thỏa thuận cuối cùng, căng thẳng giữa Tướng Burhan và Dagalo leo thang. Một tranh cãi quan trọng là về cách RSF sẽ được tích hợp vào quân đội và bên nào sẽ có quyền kiểm soát cuối cùng đối với máy bay chiến đấu và vũ khí.

Dagalo, người có RSF đã tham gia vào các cuộc đàn áp tàn bạo trong tình trạng bất ổn của bộ lạc và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, cũng cố gắng tự cho mình là người ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ. Vào tháng 3, ông chỉ trích Burhan , nói rằng các nhà lãnh đạo quân sự không muốn từ bỏ quyền lực.

Các nhà phân tích lập luận rằng Dagalo đang cố gắng minh oan cho danh tiếng của lực lượng bán quân sự của mình, vốn bắt đầu khi các lực lượng dân quân tàn bạo liên quan đến các hành động tàn bạo trong cuộc xung đột Darfur.

Căng thẳng diễn biến nhanh chóng như thế nào?

Tuần trước, RSF bắt đầu triển khai lực lượng xung quanh thị trấn nhỏ Merowe ở phía bắc thủ đô. Thị trấn có vị trí chiến lược với sân bay lớn, vị trí trung tâm và đập điện ở hạ lưu sông Nile. Ngày hôm sau, RSF cũng gửi thêm lực lượng vào thủ đô và các khu vực khác của đất nước mà không có sự đồng ý của lãnh đạo quân đội.

Vào sáng 15.4, giao tranh nổ ra tại một căn cứ quân sự ở phía nam Khartoum, mỗi bên đổ lỗi cho bên kia vì đã khơi mào bạo lực. Kể từ đó, quân đội và RSF đã chiến đấu bằng vũ khí hạng nặng, bao gồm xe bọc thép và súng máy gắn trên xe tải, tại các khu vực đông dân cư của thủ đô và thành phố Omdurman liền kề. Quân đội đã tấn công các căn cứ của RSF bằng các cuộc không kích.

Cuộc giao tranh kéo dài đến nay đã khiến hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Các cuộc đụng độ lan sang các khu vực khác trong nước, bao gồm thành phố ven biển chiến lược Port Sudan trên Biển Đỏ và các khu vực phía đông, trên biên giới với Ethiopia và Eritrea. Giao tranh cũng được báo cáo ở vùng Darfur bị chiến tranh tàn phá, nơi các cơ sở của Liên Hợp Quốc bị tấn công và cướp phá. Liên Hợp Quốc cho biết ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở đó vào 15.4.

Liệu có triển vọng cho ngừng bắn và đối thoại?

Triển vọng ngừng bắn ngay lập tức dường như rất mong manh. Cả hai tướng Burhan và Dagalo đều yêu cầu bên kia đầu hàng. Tính chất khốc liệt của cuộc giao tranh cũng có thể khiến hai vị tướng khó quay lại đàm phán hơn.

Mặt khác, cả quân đội và RSF đều có sự ủng hộ của nước ngoài, những người nhất trí kêu gọi ngừng ngay các hành động thù địch.

Lịch tôn giáo Hồi giáo cũng có thể đóng một vai trò. Giao tranh nổ ra trong tuần cuối cùng của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, với kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kéo dài ba ngày đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay vào cuối tuần này. Dân số ngày càng căng thẳng vì nhu yếu phẩm, nhiều người phải bỏ nhà đi vì bạo lực.

Trong khi đó, đã có một loạt các động thái ngoại giao. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết ông đã thảo luận về những diễn biến ở Sudan với các ngoại trưởng của Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Ngoại trưởng Ảrập Xêút cho biết ông đã nói chuyện riêng qua điện thoại với hai vị tướng, đồng thời kêu gọi họ ngừng “mọi hình thức leo thang quân sự”.

Các chế độ quân chủ Ảrập vùng Vịnh là đồng minh thân cận của quân đội cũng như RSF. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cho biết chính quyền Biden nên kêu gọi các đồng minh trong khu vực thúc đẩy hòa bình.

Quỳnh Vũ (Theo AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/dieu-gi-cham-ngoi-cho-nhung-bao-luc-gan-day-o-sudan--i324373/