Điều gì gây ra tình trạng khói mù kinh niên trên khắp Đông Nam Á?
Khói mù xuyên biên giới một lần nữa trở thành vấn đề nóng hổi ở Đông Nam Á, khi Bộ trưởng Môi trường Malaysia viết thư cho Chính phủ Indonesia kêu gọi có biện pháp đối phó với khói mù đang bao trùm khu vực.
Bức thư được đưa ra chỉ vài tuần sau khi các quốc gia ở Đông Nam Á cam kết hướng tới một khu vực không có khói mù vào năm 2030.
Tình trạng khói mù ở Indonesia và Malaysia
Trong những tuần gần đây, chất lượng không khí ở một số vùng của Malaysia và Indonesia đã xuống dưới mức đáng báo động, đồng nghĩa với việc mọi người có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe và những người có tình trạng nhạy cảm có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Về phía Indonesia, tầm nhìn trên đảo Borneo bị giảm xuống dưới 10 mét, trong khi các trường học ở cả Indonesia và Malaysia đều đóng cửa để giảm thiểu tác động sức khỏe đối với trẻ nhỏ.
Malaysia đổ lỗi nguyên nhân gây khói mù cho Indonesia, cho rằng khói do cháy rừng đang tràn qua biên giới. Phía Indonesia đã phủ nhận cáo buộc.
Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar hôm 6/10 cho biết Indonesia đã giải quyết các đám cháy bằng bom nước thông qua trực thăng, cháy rừng đã giảm và không phát hiện thấy khói mù di chuyển sang bất kỳ quốc gia láng giềng nào.
Indonesia trước đây đã có hành động pháp lý chống lại các công ty bị nghi ngờ đốt rừng trái phép, nhưng các vụ cháy hàng năm vẫn tiếp diễn.
Năm 2015 và 2019, Indonesia hứng chịu những vụ cháy thảm khốc, thiêu rụi hàng triệu héc-ta đất, gây khí thải kỷ lục và khiến cả khu vực chìm trong khói.
Vì sao điều này vẫn tiếp diễn?
Theo luật pháp Indonesia, việc đốt rừng của nông dân địa phương quy mô nhỏ được cho phép với điều kiện việc đốt rừng diễn ra trên diện tích tối đa là 2 ha và có các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Tất cả những người trồng rừng quy mô lớn đều có nghĩa vụ phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.
Các quy định này có nghĩa các hộ nông dân nhỏ có thể tiếp tục sử dụng các kỹ thuật đốt nương làm rẫy.
Chuỗi cung ứng không rõ ràng, khiếu nại đất đai chồng chéo và những lỗ hổng pháp lý này đôi khi có thể giúp các công ty lớn trốn tránh trách nhiệm về việc giải phóng mặt bằng bất hợp pháp.
Phản ứng trong khu vực
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gần đây đã thành lập một trung tâm điều phối Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ACC THPC).
Với mục đích giúp các thành viên ngăn chặn, giảm thiểu và giám sát khói mù xuyên biên giới, trung tâm này phù hợp với cam kết của ASEAN nhằm đạt được một khu vực không có khói mù vào năm 2030.
Tuần này, các Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN cũng đồng ý thực hiện hành động tập thể để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ việc đốt cây trồng, trong đó có dầu cọ.
Tiêu thụ dầu cọ toàn cầu, được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như bánh quy, nến và làm dầu ăn, đang tăng nhanh. Dầu cọ là loại dầu ăn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, chiếm 60% lượng dầu thực vật xuất khẩu toàn cầu.
Đối với Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, sản phẩm này là một trong những nguồn thu xuất khẩu lớn nhất sau than đá. Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, thu nhập xuất khẩu từ dầu cọ và các sản phẩm từ dầu cọ đạt 39,28 tỷ USD vào năm 2022.
Quốc Thiên (theo Reuters)