Điều gì khiến một cổ phiếu 'họ' Masan tăng dựng đứng 55% sau vài ngày?

Tính từ ngày 4/2, sau động thái mới thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ của Trung Quốc, cổ phiếu MSR của Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials đã tăng hơn 55%.

Tiền đổ vào đột biến, cổ phiếu MSR tăng hơn 55%. Ảnh: MSR

Tiền đổ vào đột biến, cổ phiếu MSR tăng hơn 55%. Ảnh: MSR

Trong phiên giao dịch ngày 13/2, cổ phiếu MSR đã tăng mạnh trên 10% đạt mức giá 17.700 đồng/đơn vị. Có thời điểm trong phiên, mã này đạt mức trần 17.900 đồng/đơn vị, gần tiệm cận mức đỉnh 18.400 đồng/đơn vị hồi tháng 5/2024. Vốn hóa thị trường đạt hơn 19.000 tỷ đồng.

Đà tăng của cổ phiếu MSR diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ nhằm trả đũa các biện pháp siết chặt trong lĩnh vực chất bán dẫn từ Mỹ vào ngày 4/2.

Ngay sau diễn biến này, mã MSR đã tăng trần 2 phiên liên tiếp trên UPCoM, tương ứng mức tăng gần 30%. Như vậy, kể từ phiên 4/2 đến nay, mã khoáng sản này đã tăng hơn 55%.

Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt từ vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên lên hàng triệu đơn vị. Trung bình 10 phiên trở lại đây, khối lượng giao dịch đạt hơn 2,2 triệu đơn vị. Trong đó, phiên 10/2 ghi nhận thanh khoản cao đột biến với 132 tỷ đồng, tương ứng hơn 8 triệu cổ phiếu được sang tay.

 Diễn biến giá cổ phiếu MSR 1 năm qua. Nguồn: VPS

Diễn biến giá cổ phiếu MSR 1 năm qua. Nguồn: VPS

Trước đó, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 7/2, ông Lê Bá Nam Anh – Giám đốc Chiến lược và Phát triển Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), cho biết việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ có thể tạo ra một số lợi thế nhất định cho Masan High-Tech Materials.

Cũng tại cuộc họp, Masan High-Tech Materials thông tin đã tìm được một đối tác trong nước mua 42.000 tấn đồng trong nỗ lực giải phóng hàng tồn kho đồng của công ty. Con số này tương đương 85% hàng tồn kho đồng với giá trị khoảng 50 triệu USD.

Ghi nhận trên thị trường chứng khoán, không chỉ MSR, hàng loạt mã cổ phiếu khoáng sản khác cũng tăng nóng như KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico), BKC của Khoáng sản Bắc Kạn hay HGM của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.

Năm 2024 lỗ kỷ lục

Về hoạt động kinh doanh của Masan High-Tech Materials, quý IV/2024, doanh thu tăng trưởng 21% so với cùng kỳ, đạt 3.868 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt 380 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ gộp 385 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, lợi nhuận gộp mà công ty tạo ra không đủ trả các loại chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng hơn 800 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 12 lần, đạt 1.594 tỷ đồng, công ty có lãi thuần 1.187 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ thuần 963 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn khoản lỗ khác 654 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, công ty lỗ sau thuế 206 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 829 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, công ty ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 14.336 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ kỷ lục 1.587 tỷ đồng.

Tính tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Masan High-Tech Materials đạt 26.966 tỷ đồng, giảm 33% so với đầu năm.

Tổng dư nợ vay đạt 12.225 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm 2024 đạt 10.991 tỷ đồng. Công ty còn khoản lỗ lũy kế 1.086 tỷ đồng.

Masan High-Tech Materials tiền thân là Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), chính thức đổi tên vào năm 2020. Hiện tại, đây là nhà cung cấp vật liệu vonfram công nghệ cao, phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng như điện tử, hóa chất, ôtô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm, với hệ thống sản xuất đặt tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc.

Bình An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dieu-gi-khien-mot-co-phieu-ho-masan-tang-dung-dung-55-sau-vai-ngay-post182714.html